EU ra tối hậu thư cho Hy Lạp về việc kiểm soát biên giới

Nếu không kiểm soát được dòng người di cư nước ngoài, Hy Lạp sẽ phải đối mặt với những biện pháp kiểm soát biên giới với các nước còn lại trong Khu vực miễn thị thực Schengen.
EU ra tối hậu thư cho Hy Lạp về việc kiểm soát biên giới ảnh 1Người tị nạn và di cư đợi để qua biên giới Hy Lạp-Macedonia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/2 đã đưa ra tối hậu thư yêu cầu Hy Lạp trong vòng ba tháng tới phải khắc phục được những lỗ hổng trong việc kiểm soát dòng người di cư nước ngoài, nếu không Athens sẽ phải đối mặt với những biện pháp kiểm soát biên giới với các nước còn lại trong Khu vực miễn thị thực Schengen.

Một nguồn tin EU cho biết quyết định trên được đưa ra trong một cuộc họp của hội đồng bộ trưởng EU bất chấp sự phản đối của Hy Lạp - quốc gia được coi là "cửa ngõ chính" cho 1 triệu người tị nạn và di cư vào châu Âu trong năm ngoái, gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất và lớn nhất tại "lục địa già" kể từ chiến tranh thế giới thứ hai.

Tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố báo cáo sau các cuộc thanh tra tiến hành hồi tháng 11/2015 tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và một số đảo trên biển Aegean cho thấy Hy Lạp đã không quản lý tốt thủ tục đăng ký cũng như lấy dấu vân tay của những người di cư qua biên giới nước này.

Các nước EU yêu cầu Athens trong vòng ba tháng phải thực hiện 50 khuyến nghị nhằm siết chặt kiểm soát biên giới, coi đây là vấn đề ưu tiên và khẩn cấp của quốc gia trong nỗ lực đối phó với khủng hoảng di cư.

Ngoài ra, trong vòng một tháng Hy Lạp phải xây dựng một kế hoạch hành động để khắc phục các thiếu sót trong việc kiểm soát biên giới, và khi hết ba tháng theo tối hậu thư, nước này sẽ phải báo cáo kết quả thực hiện.

Nếu Hy Lạp không thực hiện được các yêu cầu này, Brussels sẽ cho phép các nước thành viên EU khác áp đặt trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới nội bộ khu vực Schengen, bao gồm với Hy Lạp trong tối đa hai năm, thay vì sáu tháng như thường lệ.

Liên quan tới vấn đề người di cư, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cùng ngày nêu rõ chính sách mở cửa cho người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel - theo đó 1,1 triệu người tị nạn đã đổ tới Đức trong năm 2015, tạm thời có thể chấp nhận nhưng không thể duy trì lâu dài. Ông Valls nhấn mạnh "châu Âu không thể tiếp nhận tất cả người di cư từ Syria, Iraq hay châu Phi mà phải lấy lại kiểm soát đối với các biên giới cũng như các chính sách nhập cư và tị nạn."

Cùng ngày, chính quyền thị trấn cảng Calais, miền Nam nước Pháp, đã thông báo kế hoạch chuyển 1.000 người di cư nước ngoài đang sống tại trại tị nạn tạm thời ở thị trấn này tới các chỗ ở mới với điều kiện tốt hơn.

Đại diện chính quyền địa phương thông báo những người di cư sẽ có một tuần để chuyển tới ở trong các container vận chuyển hàng đã được cải tạo thành nơi ở có lắp đặt hệ thống sưởi và điện sinh hoạt trong điều kiện thời tiết mùa Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục