EU-ASEAN tăng cường tiếp cận thị trường đầu tư thương mại

Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN khuyến nghị tăng cường tiếp cận thị trường cũng như gia tăng thương mại và đầu tư giữa châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
EU-ASEAN tăng cường tiếp cận thị trường đầu tư thương mại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: carnegieeurope.eu)

Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN (EU-ABC) - tiếng nói của doanh nghiệp châu Âu tại Đông Nam Á, vừa ra mắt báo cáo nghiên cứu tiếp cận thị trường ASEAN, khuyến nghị tăng cường tiếp cận thị trường cũng như gia tăng thương mại và đầu tư giữa châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong tuyên bố đưa ra ngày 16/7, Hội đồng EU-ABC cho biết châu Âu là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của khu vực Đông Nam Á và báo cáo này nghiên cứu các biện pháp để mở cửa thị trường hơn nữa phù hợp với Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Trước hết, báo cáo đề cập việc loại bỏ các rào cản phi thuế quan đối với thương mại, nêu bật các vấn đề vướng mắc như thủ tục hải quan rườm rà với sự hài hòa không đáng kể trên toàn ASEAN, và các ứng dụng không thể đoán trước được của các quy định và thủ tục, ảnh hưởng đến khả năng doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư dài hạn.

Các vấn đề khác bao gồm sự hạn chế về quyền sở hữu và cạnh tranh nước ngoài, và việc thiếu các tiêu chuẩn hài hoà hoặc thiếu sự công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn trên toàn khu vực.

Cùng ngày, EU cũng đã công bố số liệu thống kê thương mại và đầu tư EU-ASEAN mới nhất và khẳng định rằng EU là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của ASEAN sau Trung Quốc, chiếm 13% thương mại hàng hóa của ASEAN. Trong giai đoạn 2004-2014, thương mại ASEAN-EU đã tăng với tốc độ hàng năm là 4,7%, trong đó EU nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu với khu vực này.

Singapore là đối tác quan trọng nhất của EU trong ASEAN, chiếm 25,1% thương mại hàng hóa giữa ASEAN và EU, tiếp theo là Malaysia (18,8%), Thái Lan (17,3%) và Việt Nam (15,8%). Số liệu thống kê cũng cho thấy EU là nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN với 156 tỷ euro vốn FDI trong năm 2013, chiếm 22% các nguồn đầu tư vào ASEAN, tiếp theo là Nhật Bản (18,7%).

Đại sứ EU tại Singapore Michael Pulch cho biết EU có lợi ích rất lớn trong sự thành công liên tục của Singapore và các nước ASEAN. Việc ra mắt báo cáo nghiên cứu tiếp cận thị trường của Hội đồng EU-ABC sẽ giúp giải quyết một số vấn đề quan trọng bao gồm cả về khung pháp lý, sự minh bạch và không phân biệt đối xử, thúc đẩy hơn nữa mối liên kết thương mại và đầu tư ấn tượng giữa hai khu vực.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành EU-ABC Chris Humphrey nói rằng các số liệu thống kê thương mại và đầu tư cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại giữa hai khu vực năng động. Báo cáo xuất hiện vào thời điểm quan trọng vì ASEAN đang chuẩn bị ra mắt Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay.

Ông Humphrey cũng cho biết, các quan điểm chính sách trong báo cáo là để giúp hình thành chương trình nghị sự sau năm 2015, và sẽ được thảo luận thêm khi cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và ASEAN tham gia vào phiên đối thoại với các Bộ trưởng kinh tế ASEAN tại Hội nghị cấp cao Kinh doanh ASEAN-EU vào tháng Tám tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục