EURO 2016: Thông tin đáng chú ý trước trận Pháp và Iceland

Lối chơi của Iceland khá đơn giản, khi đội hình của họ không có ngôi sao, trong khi Pháp vẫn thường gặp khó khăn trước các đối thủ yếu.
EURO 2016: Thông tin đáng chú ý trước trận Pháp và Iceland ảnh 1Đội chủ nhà Pháp hứa hẹn sẽ gặp nhiều khó khăn trước hiện tượng Iceland. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Vào lúc 2 giờ rạng sáng 4/7, trận Tứ kết cuối cùng của Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) 2016 sẽ diễn ra giữa đội tuyển Pháp - ứng cử viên số 1 cho ngôi vị quán quân - và "tân binh" Iceland - bất ngờ lớn nhất của giải đấu năm nay.

Trong các trận đấu trước, tuyển Iceland đã chứng tỏ họ là đội bóng được tổ chức tốt, có kỷ luật và tinh thần đồng đội cao. Tuy luôn bị đánh giá là đội "cửa dưới" nhưng hành trình vào Tứ kết của Iceland thậm chí còn thuyết phục hơn tuyển Pháp.

Những thống kê cho thấy cả hai đội cùng sở hữu 6 bàn thắng tới lúc này, nhưng trong khi Pháp “mất công” tạo ra tới 64 cơ hội ăn bàn thì Iceland chỉ cần 22 pha bóng nguy hiểm. Iceland chỉ cần trung bình 3,6 cơ hội để chuyển hóa thành 1 bàn thắng, còn người Pháp mất tới 10,6 cơ hội. Tỷ lệ dứt điểm trúng đích của Iceland là 56%, cao hơn hẳn hàng công thượng hạng của Les Bleus (41%).

Lối chơi của Iceland khá đơn giản, khi đội hình của họ không có ngôi sao, trong khi Pháp vẫn thường gặp khó khăn trước các đối thủ yếu.

Tất nhiên, "Gà trống Gaulois" không giống Anh và Bồ Đào Nha - những đối thủ trước đây của đội bóng "Xứ Băng đảo". Lịch sử cho thấy, ở Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 1998 và EURO 2000, Pháp lên ngôi vô địch không phải bằng lối chơi quá thuyết phục mà nhờ những cá nhân kiệt xuất lên tiếng đúng lúc. Huấn luyện viên Didier Deschamps hiện đang sở hữu nhiều mũi nhọn có khả năng xoay chuyển cục diện trận đấu như Griezmann, Pogba, Payet... Sự vững vàng của người Pháp là một lợi thế không nhỏ trước Iceland, nhất là khi họ được chơi trên sân nhà.

Phát biểu trước trận đấu huấn luyện viên Heimir Hallgrimsson (Iceland) cho biết: “Pháp có rất nhiều ngôi sao hàng đầu. Và họ cực kỳ nguy hiểm trong những phút cuối trận. Chúng tôi cần duy trì sự tập trung tối đa trong 90 phút và tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất”. Trong khi đó huấn luyện viên Deschamps tỏ ra khá tự tin: “Một đội bóng đã đánh bại Anh, cũng có thể làm khó bất kỳ đối thủ nào. Nhưng tôi tin Pháp sẽ vượt qua Iceland. Bởi chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho trận đấu này, và chúng tôi đã tìm ra những điểm yếu của Iceland”.

* Những con số thống kê thú vị:

- Iceland là một băng đảo ở Bắc Âu, với dân số chỉ khoảng 330.000 người - chưa tới 1/200 dân số Pháp (hơn 66 triệu người). Nền kinh tế Iceland đứng thứ 142 thế giới với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính đến hết năm 2015 đạt hơn 17 tỉ USD, trong khi kinh tế Pháp luôn nằm trong Top 10 thế giới, với GDP đạt 2.421 tỉ USD.

- Đến với Vòng chung kết EURO 2016, bộ đôi huấn luyện viên Lars Lagerback và Heimir Hallgrimsson chỉ có khoảng 100 cầu thủ để chọn ra 23 cầu thủ xuất sắc nhất. Trong danh sách tham dự EURO của Iceland, chỉ có 4 cầu thủ đang chơi bóng tại các giải vô địch quốc gia (VĐQG) mạnh nhất châu Âu là Emil Hallfredsson (Udinesse/Serie A), Gylfi Sigurdsson (Swansea/Premier League), Alfred Finnbogason (Augsburg/Bundesliga) và Kolbeinn Sigthorsson (Nantes/Ligue 1). Trong khi đó, huấn luyện viên Deschamps phải đau đầu "nhặt" ra 23 trong tổng số 1.600 cầu thủ chuyên nghiệp đang chơi bóng khắp châu Âu cho "Les Bleus". Cầu thủ duy nhất trong tuyển Pháp hiện nay không chơi ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu là Andre-Pierre Gignac, trung phong hiện khoác áo Tigres UANL (Mexico).

- Ngôi sao sáng nhất và cũng được xem là duy nhất của Iceland là Gylfi Sigurdsson đang hưởng lương 2,28 triệu euro/mùa. Trong khi đó, mức lương trung bình của các tuyển thủ Pháp là 4,6 triệu euro/mùa. Người đang được hưởng lương cao nhất của Pháp là Blaise Matuidi với 9,2 triệu euro/mùa.

- Theo trung tâm nghiên cứu bóng đá CIES, tổng giá trị đội hình của Iceland đạt 76,6 triệu euro, trong khi Pháp đạt 696,9 triệu euro.

- Đây là lần đầu tiên, Iceland lọt tới vòng Tứ kết của một giải đấu lớn.

- Iceland bất bại trong 4 trận đấu đã qua ở EURO 2016 với thành tích thắng 2, hòa 2. Họ là một trong 5 đội bóng có mặt ở vòng Tứ kết mà vẫn chưa một lần thất bại.

- Pháp bước vào vòng knock-out với tư cách là đội nhất bảng A và họ vẫn đang giữ thành tích bất bại tại EURO 2016 với 3 thắng, 1 hòa.

- Với chức vô địch trên sân nhà năm 1984, Pháp là một trong 3 quốc gia từng đăng quang EURO trên lãnh thổ của mình cùng với Tây Ban Nha (1964) và Italy (1968).

- Trong lịch sử, hai đội từng 11 lần đối đầu, trong đó Pháp giành 8 chiến thắng, 3 trận hòa, ghi được 30 bàn và 8 lần để thủng lưới.

- Trong cuộc chạm trán gần nhất vào ngày 27/5/2012 trên sân nhà Valenciennes, Pháp bất ngờ để cho Iceland dẫn trước 2-0 nhờ công Bjarnason (27') và Kolbeinn Sigthorsson (34'). Nhưng sau đó, Pháp đã thắng ngược 3-2 từ các tình huống tỏa sáng của Mathieu Debuchy (52'), Franck Ribery (84') và Adil Rami (87').

- Pháp từng đá 12 trận thuộc vòng knock-out EURO. Trong số này, chỉ duy nhất 1 lần Pháp thắng với cách biệt nhiều hơn 1 bàn trong 90 phút, chính là trận chung kết năm 1984, thắng Tây Ban Nha 2-0. Nhưng ngay cả trong trận đó, Pháp cũng phải chờ đến tận phút 90 mới ghi được bàn thứ hai nhờ pha phản công nhanh khi đối thủ đã dâng rất cao tìm bàn gỡ.

- Ở 2 trận Tứ kết gần nhất tại EURO, Pháp đều thua trước Hy Lạp (2004) và Tây Ban Nha (2012).

- Sau thất bại 0-2 trước đối thủ quá mạnh Croatia tại trận play-off tranh vé dự World Cup 2014, Iceland đã không lần nào thua với cách biệt quá 1 bàn trong 14 trận đấu chính thức liên tiếp, bao gồm cả 4 trận cho đến nay tại VCK EURO 2016.

- Sau 4 trận từ đầu giải, các cầu thủ Iceland mới thực hiện tổng cộng 24 pha đột phá cá nhân. Đây là con số thống kê thấp nhất EURO 2016, cho thấy Iceland là đội bóng chơi đồng đội nhất tại giải đấu trên đất Pháp. Trong khi đó tuyển Pháp đã có 83 pha đột phá cá nhân, còn dẫn đầu là Anh với 113 lần đột phá cá nhân.

- Tổng số đường chuyền cho đến nay của Iceland là 907, trung bình 227 mỗi trận, thấp nhất so với các đội còn lại.

- Có tới 9/13 trận gần đây của Pháp kết thúc với tổng số bàn thắng từ 3 bàn trở lên. Hiện tượng tương tự cũng xuất hiện trong 10/13 trận vừa qua của Iceland. - Tại EURO 2016, 3/6 bàn thắng của Pháp đến sau phút 85.

- Trong lần gặp Iceland gần nhất vào năm 2012, Pháp ghi 2 bàn sau phút 80 trong màn lội ngược dòng thắng 3-2.

- 18 trận đấu chính thức gần nhất, Iceland chỉ có đúng 1 lần thua trong hiệp 1 (trước Bồ Đào Nha ở vòng bảng EURO 2016). 17 trận gần đây ở VCK EURO, Pháp chỉ 1 lần khép lại hiệp 1 với lợi thế dẫn bàn, đó là khi họ dẫn Croatia 1-0 tại EURO 2004, nhưng do hậu vệ đối phương đốt lưới nhà.

- Cuộc chạm trán với Iceland sẽ là lần thứ 80, Pháp thi đấu trên sân Stade de France. Trong 79 trận trước đó từng thi đấu ở đây, Pháp thắng 49, hòa 20 và thua 10.

- Thành tích của Pháp trên sân Stade de France trong VCK những giải đấu lớn trước đây là thắng 4 và hòa 1. Trận hòa duy nhất là trước Italy với tỷ số 0-0 sau thời gian thi đấu chính thức và thắng 4-3 ở loạt sút luân lưu tại World Cup 1998.

- Lần gần nhất Iceland thi đấu ở Stade de France là khi họ để thua Pháp 2-3 tại vòng loại EURO 2000.

- Trong khi Iceland chưa từng phải giải quyết thắng thua bằng loạt đấu súng thì Pháp đã 6 lần trải qua khoảnh khắc cân não này, với thành tích 3 thắng 3 thua:

+ Thua 4-5 trước Tây Đức, Bán kết World Cup 1982

+ Thắng 4-3 trước Brazil, Tứ kết World Cup 1986

+ Thắng 5-4 trước Hà Lan, Tứ kết EURO 1996

+ Thua 5-6 trước Cộng hòa Séc, Bán kết EURO 1996

+ Thắng 4-3 trước Italy, Tứ kết World Cup 1998

+ Thua 3-5 trước Italy, Chung kết World Cup 2006.


* Thông tin trận đấu:

- Địa điểm: Sân Stade de France, Saint-Denis - ngoại ô Paris (khánh thành ngày 1/1/1997)

- Sức chứa: 80.000 người

- Thời gian: 2h sáng mai (4/7)

- Trọng tài: Bjoern Kuipers (người Hà Lan)

* Đội hình dự kiến:

+ Pháp (4-4-2): 1-Hugo Lloris;19-Bacary Sagna, 21-Laurent Kolscielny, 22-Samuel Umtiti, 3-Patrice Evra ; 14-Blaise Matuidi, 6-Yohan Cabaye, 15-Paul Pogba, 20-Kingsley Coman; 7-Antoine Griezmann, 8-Dimitri Payet.

+ Iceland (4-4-2): 1-Hannes Halldorsson; 2-Birkir Saevarsson, 6-Ragnar Sigurdsson, 14-Kari Arnason, 23-Ari Skulason; 7-Johann Gudmundsson, 10-Gylfi Sigurdsson, 17-Aron Gunnarsson, 18-Elmar Bjnarnason; 9-Kolbeinn Sigthorsson, 15-Jon Dadi Bodvarsson./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục