Facebook và Twitter - không gian có nhiều nội dung quấy rối

Facebook và Twitter - không gian chứa đựng nhiều nội dung quấy rối

Theo điều tra, 31% số trẻ 13 tuổi nói đã ít nhất một lần là nạn nhân của tệ quấy rối trên mạng, 56% khẳng định họ có bạn bè đã từng hứng chịu những vụ trêu chọc, đe dọa trên mạng.
Facebook và Twitter - không gian chứa đựng nhiều nội dung quấy rối ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: huffingtonpost.com)

Một đường dây nóng đặc biệt và một địa chỉ email đã được thiết lập để hỗ trợ cho những nạn nhân của tệ quấy rối trên mạng ở Italy.

Số điện thoại 393.300.90.90 và địa chỉ email help@off4aday.it có sự tham gia trực tiếp một nhóm các nhà tâm lý học sẵn sàng hỗ trợ những ai bị tác động bởi tệ nạn này.

Ngoài ra, Phong trào quốc gia cha mẹ học sinh Italy (Moige) cùng với cảnh sát Italy và hãng Samsung cũng đã phát động một phong trào nhằm nâng cao nhận thức của những người dùng Internet ở Italy, đặc biệt là giới thanh thiếu niên, vào sự nghiêm trọng của vấn đề.

Qua hashtag #OFF4aDAY, Moige đã thu hút được sự tham gia của rất nhiều bậc cha mẹ và các học sinh.

Theo điều tra "Thói quen và lối sống của thanh thiếu niên Italy năm 2014" do Hiệp hội nhi khoa Italy tiến hành với hơn 2.000 thanh thiếu niên nước này, 31% số trẻ 13 tuổi nói họ đã ít nhất một lần là nạn nhân của tệ quấy rối trên mạng (35% trong số nói trên là nữ), 56% khẳng định họ có bạn bè đã từng hứng chịu những vụ trêu chọc, đe dọa, sỉ nhục từ những người khác ở trên mạng.

Điều đặc biệt là với những học sinh nào sử dụng từ 3 mạng xã hội trở lên, tỷ lệ bị bạo hành về tinh thần trên Internet đã tăng từ 31% lên 45%. 85% các vụ quấy rối trên mạng không được người lớn biết đến, vì các nạn nhân của tệ nạn hoặc bị cô lập và đe dọa, hoặc cố gắng chịu đựng mà không cần đến sự giúp đỡ nào.

Facebook và Twitter, những mạng xã hội phổ biến nhất, chính là những không gian chứa đựng nhiều rủi ro nhất liên quan đến quấy rối tinh thần trên mạng. Nhiều cuộc tấn công như thế do bạn bè hoặc thậm chí người thân gây ra.

Nhưng có không ít trường hợp, thủ phạm là những người không quen với nạn nhân, hoặc sử dụng tên giả để che giấu danh tính thực.Việc sử dụng tên giả này khiến cho việc điều tra các thủ phạm trở nên khó khăn hơn.

Khác với việc các học sinh hư bạo hành về thể xác và quấy rối tinh thần ở ngoài đời thực, khi không gian xảy ra các chuyện này chủ yếu là trong khuôn khổ nhà trường, việc bạo hành tinh thần trên mạng xảy ra bất cứ lúc nào, với bất cứ ai. Hậu quả của việc quấy rối này rất lớn, vì nội dung quấy rối vẫn được lưu giữ trên mạng một thời gian dài.

Một điều khác được trang web học đường của Italy skuola.net thực hiện trong một dự án xã hội mang tên "Cuộc sống số"cho thấy 72% các trường hợp bạo hành về mặt thân thể, tinh thần hoặc quấy rối trên mạng xảy ra đối với những đứa trẻ cùng giới tính, 87% số nạn nhân khẳng định họ bị bạn bè trêu trọc cả trên mạng lẫn hành hạ họ ở ngoài đời.

Quấy rối trên mạng xảy ra với các học sinh nữ nhiều hơn là nam giới, khi các nữ sinh sử dụng các ngôn từ tục tĩu hoặc có tính sỉ nhục cao độ để nhắm vào các "đối thủ," chủ yếu là cùng giới.

Theo trang web này, rất nhiều vụ bạo hành không được phát hiện bởi trung bình cứ 3 nạn nhân thì chỉ có 1 tiết lộ chuyện này cho cha mẹ hoặc bạn bè. Những người còn lại giữ im lặng vì xấu hổ (30% số được hỏi trả lời như thế) và từ đó, họ âm thầm thực hiện việc trả thù (24%).

Theo dự kiến, Moige sẽ tiếp tục quảng bá nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên ở hơn 2 nghìn trường học trên lãnh thổ Italy trong năm 2016./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục