Forbes: Việt Nam cần tăng cường đầu tư quảng bá du lịch

Trong bài viết đăng trên tạp chí Forbes ngày 16/8, nhà báo Brett Davis cho biết ngân sách của Việt Nam dành cho việc quảng cáo du lịch hàng năm chỉ là 2 triệu USD, thấp hơn hàng chục lần so với nhiều
Forbes: Việt Nam cần tăng cường đầu tư quảng bá du lịch ảnh 1Du khách nước ngoài đến Đà Lạt nhân dịp Festival Hoa Đà Lạt 2015. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Với mục tiêu tăng gấp đôi lượng khách quốc tế cũng như thu nhập của ngành du lịch từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần tăng nguồn ngân sách đầu tư cho công tác quảng bá hình ảnh cũng như nhiều vấn đề khác.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Forbes ngày 16/8, nhà báo Brett Davis cho biết ngân sách của Việt Nam dành cho việc quảng cáo du lịch hàng năm chỉ là 2 triệu USD, thấp hơn hàng chục lần so với nhiều nước cùng khu vực Đông Nam Á.

Ông Davis cũng ghi nhận lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam đã đưa ra ý định đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm đến của du khách quốc tế với đề nghị tăng ngân sách lên khoảng 5,25 triệu USD và lập một quỹ quảng bá du lịch với một khoản đầu tư chủ yếu khoảng 13 triệu USD.

Tuy nhiên, theo ông, với tham vọng của ngành du lịch đến năm 2020 tăng gấp đôi lượng khách quốc tế (hiện là 7,9 triệu lượt) cũng như doanh nhập của năm 2015 (hiện khoảng 15,1 tỷ USD), khoản ngân sách trên là khá khiêm tốn.

Bên cạnh đó, nhà báo này cũng chỉ ra bất cập trong ý định lấy 70% nguồn đầu tư từ những người được "hưởng lợi từ du lịch" - những công ty du lịch có giấy phép hoạt động và giới kinh doanh khách sạn - của bản kế hoạch này.

Ông nhấn mạnh nếu việc này được thực hiện dưới dạng phụ thu trên thu nhập bị đánh thuế, thì có thể làm suy giảm tăng trưởng trong ngành và gây tổn hại tới những nguồn lợi lớn hơn.

Bài báo nhận định Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong chiến lược phát triển ngành du lịch, từ khâu nâng cao hạ tầng cơ sở, tăng cường năng lực nhân viên, cung cấp những cơ sở, dịch vụ có tầm cỡ quốc tế.

Năm ngoái, Việt Nam thu hút 7,9 triệu lượt khách quốc tế và thu về 15 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hơn 70% khách quốc tế đến Việt Nam không trở lại lần thứ hai.

Vấn đề nhân viên an ninh, lưu thông tắc nghẽn và tai nạn, ô nhiễm, dịch vụ, cơ sở kém cỏi là những nguyên nhân thường được nêu lên nhất.

Bài báo cho rằng đây là những vấn đề cần được các cơ quan hữu quan lưu tâm và chính phủ cần khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở và công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ ngành du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục