Futsal World Cup giống và khác gì World Cup thông thường?

Đội tuyển Futstal Việt Nam vừa tạo nên kỳ tích đánh bại Nhật Bản để giành vé dự Futsal World Cup 2016. Vậy Futsal World Cup có gì giống và khác World Cup thông thường?
Futsal World Cup giống và khác gì World Cup thông thường? ảnh 1Niềm vui của các cầu thủ Việt Nam sau chiến thắng Nhật Bản.

Đội tuyển Futstal Việt Nam của Bruno Formoso vừa tạo ​nên kỳ tích với chiến thắng trước Nhật Bản trên chấm luân lưu qua đó giành vé trực tiếp tới Futsal World Cup 2016 được tổ chức tại Colombia vào trung tuần tháng 9 tới. Vậy Futsal World Cup có điểm gì giống và khác World Cup thông thường?

1. Nguồn gốc

Futsal nói chung được bắt đầu từ Uruguay năm 1930, thời điểm quốc gia này phát sốt vì môn thể thao đã mang lại cho họ hai huy chương vàng Olympic môn bóng đá nam vào các năm 1924, 1928 và đặc biệt cúp Nữ thần vàng cho chức vô địch World Cup lần đầu tiên năm 1930.

Năm 1965, những nỗ lực đầu tiên trong việc đưa futsal lên chuyên nghiệp được hoàn thiện bằng quyết định thành lập Liên đoàn futsal Nam Mỹ (CFS) với những thành viên ban đầu là Uruguay, Brazil, Argentina, Paraguay và Peru.

Năm 1971, Liên đoàn Futsal quốc tế (FIFUSA) được thành lập ở Sao Paulo, Brazil, giải vô địch thế giới được tổ chức với 32 đội tham dự. Năm 1975, FIFUSA gia nhập FIFA.

Sau hai giải vô địch thế giới được tổ chức vào năm 1982 và 1985, FIFUSA và FIFA xảy ra xung đột lớn về quyền lợi. Tháng 5/1990, Liên đoàn bóng đá Futsal Brazil tách ra khỏi FIFA, thành lập Liên đoàn Futsal Liên Mỹ (PANAFUTSAL) với sự tham gia của 15 nước châu Mỹ. Giải vô địch thế giới cũng được thành lập dưới sự bảo trợ của AMF, tách biệt hoàn toàn với World Cup Futsal của FIFA.

Đội tuyển Futsal Việt Nam đã giành quyền tham dự World Cup Futsal của FIFA, chứ không phải World Cup Futsal của AMF, giải đấu lâu đời hơn.

2. Luật thi đấu Futsal

Kích thước sân thi đấu Futsal là 45x25m. Bóng cỡ 4, chu vi 62-64cm, nặng 400-440gr. Lần đầu tiên được thả bóng phải ở độ cao 2 mét, nảy trong khoảng 50-65cm. Mỗi trận đấu gồm 2 hiệp, mỗi hiệp 20 phút, không tính thời gian bóng chết. Thời gian nghỉ giữa hai hiệp là 15 phút, các đội được hội ý 1 lần/1 hiệp, kéo dài 1 phút. Mỗi đội có 5 cầu thủ trên sân, gồm 1 thủ môn. Được sử dụng tối đa 12 cầu thủ mỗi trận.

Trong Futsal khi bị trọng tài bắt tới lỗi thứ 6, đội bóng sẽ bị phạt penalty. Thẻ đỏ trong Futsal không bị truất quyền thi đấu trực tiếp như sân lớn mà chỉ bị ra sân trong tối đa 2 phút, hoặc tới khi một trong hai đội ghi bàn. Ở thể thức thi đấu knock-out, nếu hai hiệp chính kết thúc với tỷ số hòa, hai đội sẽ bước vào đá luân lưu. Khác với 5 quả luân lưu trên sân lớn, Futsal chỉ cho phép 3 cú sút luân lưu.

Còn lại, thẻ vàng, thay người hay các lỗi đều giống bóng đá sân lớn.

3. Lịch sử, hiện tại của Futsal World Cup và cơ hội của Việt Nam

Giải đấu mà đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự sắp tới tại Colombia được diễn ra lần đầu tiên vào năm 1989. Lịch sử của giải đấu này chứng kiến chỉ hai đội vô địch, đó là Brazil (5 lần) và Tây Ban Nha (2 lần).

Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử các kỳ World Cup Futsal là Manoel Tobias của Brazil với 44 bàn/32 trận. Người đứng thứ hai là Falcao với 38 bàn/25 trận.

Kỳ Futsal World Cup sắp tới tại Colombia sẽ được tổ chức từ ngày 10/9 tới 1/10 tại Colombia. Giải đấu gồm 24 đội tham dự, chia làm 6 bảng. Mỗi bảng lấy 2 đội nhất, nhì lọt trực tiếp vào vòng 16 đội. 6 đội đứng thứ ba của mỗi bảng sẽ lấy 4 đội có thành tích tốt nhất để lọt vào vòng knock-out.

Như vậy, có tới 16/24 đội được tham dự Futsal World Cup sẽ chắc chắn được lọt vào vòng knock-out. Đây rõ ràng là cơ hội lớn cho ĐT Việt Nam trong nỗ lực ghi dấu ấn lên đấu trường Futsal quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục