G20 cam kết cải cách để tạo thêm 2.000 tỷ USD trong 5 năm tới

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G20 đã khẳng định cam kết thực thi cải cách để tạo thêm 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu trong vòng 5 năm tới.
G20 cam kết cải cách để tạo thêm 2.000 tỷ USD trong 5 năm tới ảnh 1Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 tham dự hội nghị. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tại hội nghị diễn ra ngày 10/10 tại Washington (Mỹ), các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) vẫn bày tỏ lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu cho dù đang có những lo ngại về nguy cơ Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) quay trở lại thời kỳ suy thoái.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G20 đã khẳng định cam kết thực thi cải cách để tạo thêm 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu trong vòng 5 năm tới.

Bộ trưởng Ngân khố Australia, nước Chủ tịch luân phiên của G20, ông Joe Hockey, cho biết hội nghị đã thảo luận nhiều về các thách thức kinh tế trong bối cảnh nhiều nền kinh tế chủ chốt đã phục hồi, giữa lúc một số quốc gia khác lại đang đối mặt với suy giảm kinh tế.

Tuy nhiên, các nước đều bày tỏ quyết tâm đạt được các mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Bên cạnh cam kết đẩy mạnh cải cách, các nước G20 đã ủng hộ "Sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu", nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế và kiến tạo việc làm.

Theo ông Joe Hockey, trong vòng 10 năm tới, các nước đang phát triển và mới nổi cần khoảng 8.000 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông Joe Hockey nhấn mạnh Eurozone chỉ có thể phục hồi nếu các quốc gia thành viên đang gặp khó khăn về tài chính thực thi những cải cách cần thiết.

Cũng trong ngày 10/10, hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã thúc giục các nước thành viên giải quyết tình trạng kinh tế đình trệ hiện nay và đề nghị Đức ủng hộ ý tưởng nới lỏng quy định về mức trần thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, Berlin tiếp tục "lảng tránh."

Theo người phụ trách khu vực châu Âu của IMF Poul Thomsen, kinh tế châu Âu, đặc biệt là Eurozone đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với tiên lượng hồi đầu năm của IMF.

Nhu cầu tại thị trường nội địa đang phục hồi rất chậm trong khi nhu cầu tại các thị trường bên ngoài cũng không khả quan. Thêm vào đó, với tình trạng lạm phát quá thấp kéo dài trong suốt thời gian qua, các nền kinh tế châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giảm nợ công, còn các hộ gia đình, các doanh nghiệp cũng khó có thể cân đối được tài chính.

Phản ánh tâm lý lo ngại của giới đầu tư, thị trường chứng khoán châu Âu tiếp tục lao đầu đi xuống, với chỉ số Euro Stoxx 50 giảm 1,4% trong phiên giao dịch cuối tuần trước và giảm 3,7% tính trong cả tuần qua.

Tương tự như vậy, chỉ số S&P của thị trường chứng khoán Mỹ để mất 3,1% trong tuần qua.

Trước đó, dù đã điều chỉnh hạ dự báo về sức tăng trưởng kinh tế Eurozone xuống 0,8% năm 2014 và 1,3% năm 2015 nhưng IMF cũng cảnh báo là có đến 40% khả năng khu vực này sẽ rơi vào suy thoái kinh tế.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi thừa nhận rằng, nhu cầu tăng trưởng chậm là yếu tố chính giữ lạm phát hiện ở mức 0,3% và đây là "điềm báo" về nguy cơ tăng trưởng âm của kinh tế khu vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục