Gần 12 vạn lượt du khách về với Khu Di tích quốc gia Côn Sơn-Kiếp Bạc

Từ ngày 13-18/9 (tức ngày 15-20/8 Âm lịch) có khoảng 12 vạn lượt du khách về tham quan, chiêm bái, dâng hương tại khu di tích, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng nghìn người dân và du khách thập phương về dự lễ cầu an và hội hoa đăng. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)
Hàng nghìn người dân và du khách thập phương về dự lễ cầu an và hội hoa đăng. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Thuộc địa phận huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Côn Sơn-Kiếp Bạc không chỉ là quần thể kiến trúc cổ kính với cảnh quan thiên nhiên đẹp mà là hai di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Côn Sơn-Kiếp Bạc là di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng, có quy mô bề thế với phong cảnh sơn thủy hữu tình thu hút khách du lịch đến tham quan hàng năm.

Khu di tích bao gồm các di tích lịch sử gắn liền với chiến công lừng lẫy 3 lần đánh thắng quân xâm lược Mông Nguyên lừng lẫy của quân dân nhà Trần ở thế kỷ XIII và cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV.

Khu di tích Côn Sơn nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân cùng với núi non, chùa tháp, rừng thông, khe suối và các di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân trong lịch sử.

Ghé vãn cảnh chùa Côn Sơn, ngoài các công trình kiến trúc đặc sắc, du khách sẽ còn có cơ hội tìm hiểu về giếng Ngọc. Giếng Ngọc tọa lạc ở chân núi Kỳ Lân, trên đường lên Bàn Cờ Tiên, phía sau là Đăng Minh bảo tháp - nơi đặt xá lị Huyền Quang tôn giả.

Nằm ở vị trí cao hơn mái ngói chùa Côn Sơn nhưng mùa nào giếng Ngọc cũng luôn đầy nước. Người xưa quan niệm rằng giếng Ngọc là huyệt mạch của núi Côn Sơn và chính là mắt của Kỳ Lân. Đây không chỉ là nguồn nước quý của di tích mà còn là một điểm tham quan mang nhiều giá trị tâm linh.

Từ giếng Ngọc, bạn men theo các bậc đá leo lên đỉnh Côn Sơn có đặt Bàn Cờ Tiên - nơi Nguyễn Trãi cũng các bậc tiền nhân dừng chân chơi cờ. Từ đỉnh Côn Sơn, một vùng núi non hùng vĩ thu gọn lại trong tầm mắt người lữ hành.

[Hàng vạn du khách nô nức dự lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc]

Năm 1330, Đệ Tam Thánh Tổ Huyền Quang mở rộng chùa, lập ra Cửu phẩm Liên Hoa. Năm 2017, công trình này đã được tôn tạo thành công tạo nên điểm nhấn kiến trúc trong cảnh quan thanh tịnh, linh thiêng của chốn Côn Sơn.

Tòa Cửu phẩm Liên Hoa gồm cây Phẩm 9 tầng và nhà Phẩm. Nhà Phẩm được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, gỗ vàng tâm, đá xanh Thanh Hóa, ngói mũi hài phục chế và hàng nghìn viên gạch Bát Tràng.

Với kết cấu 3 tầng, 12 mái, cả công trình tựa như một bông sen thanh thoát với 3 lớp cánh hoa mãn khai. Còn tòa tháp Cửu phẩm Liên Hoa hình bát giác 9 tầng cao 10,3m với những chi tiết chạm trổ, điêu khắc tinh xảo. Tất cả tạo nên một công trình nghệ thuật sáng tạo độc đáo của Phật giáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam.

Đền Kiếp Bạc cách khu di tích Côn Sơn khoảng 5km là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Cái tên Kiếp Bạc là do đền tọa lạc trên một thung lũng giao giữa hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc).

Đền Kiếp Bạc có địa thế vô cùng thuận lợi nhìn ra con sông Thương, sau lưng là núi Rồng sừng sững, bên tả có núi Bắc Đẩu, bên hữu là núi Nam Tào là nơi tụ khí để gây dựng cơ nghiệp. Đền bao gồm các công trình Tam quan, giếng Ngọc, các tòa điện thờ Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão, công chúa Thiên Thành - phu nhân Hưng Đạo Vương và hai con gái Nhị vị Vương cô. Hiện đền có lưu giữ 7 pho tượng đồng mang giá trị văn hóa, tâm linh lớn.

Gần 12 vạn lượt du khách về với Khu Di tích quốc gia Côn Sơn-Kiếp Bạc ảnh 1Các đoàn thuyền diễn lại cảnh hội quân trên sông Lục Đầu. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Hàng năm, Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc được tổ chức 2 lần chính vào mùa xuân và mùa thu với nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc sắc, thu hút rất nhiều du khách thập phương về tham dự, vãn cảnh.

Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 20 tháng Tám âm lịch hàng năm để tưởng nhớ ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Lễ hội diễn ra với các nghi lễ: lễ rước cỗ tiến Thánh, lễ duyệt quân trên sông Lục Đầu, lễ cầu an, lễ ban ấn của Đức Thánh Trần, hội hoa đăng và rất nhiều trò chơi dân gian thu hút sự tham gia của người dân địa phương cũng như khách du lịch.

Theo thông tin từ Ban Quản lý Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, Hải Dương, từ ngày 13-18/9 (tức ngày 15-20/8 Âm lịch) có khoảng 12 vạn lượt du khách về tham quan, chiêm bái, dâng hương tại khu di tích, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong 3 ngày chính hội từ 14-16/9 vừa qua, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc đã đón khoảng 7,5 vạn lượt du khách.

Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc tưởng niệm 719 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; tưởng niệm 577 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, tôn vinh triều đại nhà Trần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Các hoạt động lễ hội nhằm tuyên truyền, quảng bá các giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc thực hành, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Năm nay, đa phần du khách đến với lễ hội đều bày tỏ hài lòng trước những đổi thay về cảnh quan của Côn Sơn-Kiếp Bạc.

Nhiều hạng mục ở di tích Côn Sơn đã được đầu tư chỉnh trang như khắc tên di tích lên các phiến đá, trồng thêm hoa và cây cảnh trên khoảng 1.000m2 đất và lát hơn 200m đường đá trong khuôn viên di tích...

Ban Quản lý di tích cũng đã kéo điện lên đỉnh Bàn Cờ Tiên và sắp xếp, giải tỏa lại hàng quán dọc lối lên Bàn Cờ Tiên, trả lại không gian sạch đẹp cho di tích này.

Đặc biệt, du khách về trẩy hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2019 cũng hài lòng với những hình ảnh đẹp như thanh niên tình nguyện tham gia giúp vệ sinh môi trường và hỗ trợ công tác đón tiếp, hướng dẫn du khách; Ban Quản lý di tích đã có nhiều việc làm thiết thực hưởng ứng việc chống rác thải nhựa như bố trí nhiều bình nước miễn phí phục vụ du khách thay vì phát các chai nhựa đựng nước, lựa chọn hoa đăng làm từ nguyên liệu giấy tự hủy...

Sáng 18/9, tại núi Mâm Xôi, thuộc di tích Kiếp Bạc, Ban Tổ chức Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2019 đã tổ chức Lễ giỗ lần thứ 719 Đức Thánh Trần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục