Gần 21 triệu người trên toàn cầu đang phải sống cảnh nô lệ

Theo ông Ban Ki-moon, nô lệ thời nay tồn tại dưới nhiều hình thức, từ trẻ em bị cưỡng ép làm các công việc phục vụ, nông dân tại các trang trại và công nhân tại các nhà máy bị bóc lột sức lao động.
Gần 21 triệu người trên toàn cầu đang phải sống cảnh nô lệ ảnh 1Những ngư dân bị ngược đãi được giải cứu trong cuộc đột kích của cảnh sát ở Benjina, Indonesia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thế giới vẫn có 21 triệu người đang sống trong cảnh nô lệ, phần lớn đều phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, và các quốc gia cần phải nỗ lực hết sức để chấm dứt tình trạng tồi tệ này.

Trong tuyên bố đưa ra tại buổi họp báo nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ nô lệ 2/12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết nô lệ thời hiện đại tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, từ trẻ em bị cưỡng ép làm các công việc phục vụ, nông dân tại các trang trại và công nhân tại các nhà máy bị bóc lột sức lao động, cho tới các lao động phải làm việc không lương để trả nợ, hay các nạn nhân của nạn buôn bán tình dục.

Mặc dù khó để có được một con số thống kê chính xác, các chuyên gia ước tính có gần 21 triệu người trên toàn cầu đang phải sống cảnh nô lệ. Thế giới phải có trách nhiệm đối với những người này và nỗ lực để chấm dứt vấn nạn trên.

Với việc thông qua Chương trình Phát triển bền vững 2030, lãnh đạo thế giới đã đặt ra mục tiêu xóa bỏ nạn buôn người và lao động cưỡng ép, đồng thời chấm dứt mọi hình thức nô lệ và lao động trẻ em. Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng chương trình phát triển này làm lộ trình cho việc "nhổ bỏ tận gốc" nạn nô lệ. Bên cạnh đó, giúp đỡ đưa những người được giải phóng trở lại cuộc sống bình thường.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng hối thúc các nước thành viên, các doanh nghiệp, các quỹ tư nhân cũng như những nhà hảo tâm khác thể hiện quyết tâm chấm dứt nạn nô lệ thông qua việc đóng góp, bảo đảm Quỹ tình nguyện Liên hợp quốc về các dạng thức nô lệ hiện đại có đủ nguồn lực cho các công tác trên.

Ngày Quốc tế xóa bỏ nô lệ đánh dấu ngày 2/12/1949 khi Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua Công ước Liên hợp quốc về tiêu diệt nạn buôn người và mại dâm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục