Gần 2.900 tỷ đồng xây cầu Hưng Hà nối 2 tuyến cao tốc trọng điểm

Cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 2.871 tỷ đồng nối 2 tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình đã chính thức được khởi công.
Gần 2.900 tỷ đồng xây cầu Hưng Hà nối 2 tuyến cao tốc trọng điểm ảnh 1Các đại biểu cắt bằng khởi công cầu Hưng Hà nối 2 tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dự án đầu tư xây dựng cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu thuộc tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình có tổng mức đầu tư hơn 2.870 tỷ đồng đã chính thức được Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên và Hà Nam khởi công vào sáng nay (27/12).

Dự án được xây dựng tại địa điểm hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam. Điểm đầu tuyến (phía Hưng Yên, tại Km24+950, nút giao Quốc lộ 39) thuộc xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên giao với giao cắt với Quốc lộ 39 (Km38+732-Quốc lộ 39). Điểm cuối tuyến (phía Hà Nam, tại Km31+115,77) giáp nối với đường dẫn cầu Thái Hà (Km1+028,01) nằm tại xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Dự kiến, thời gian thi công khoảng 36 tháng.

Theo ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, cầu Hưng Hà sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng yêu cầu kết nối hai tuyến đường cao tốc, làm động lực phát triển khu vực đồng bằng sông Hồng, nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến đường cao tốc đồng thời giảm áp lực giao thông Quốc lộ 1, 5 và rút ngắn thời gian đi lại của phương tiện qua thủ đô Hà Nội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam, Thái Bình.

Dù điều kiện vốn còn khó khăn, tỉnh Hưng Yên cam kết sẽ chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng tiến độ, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thi công.

Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh Hưng Yên và Hà Nam cũng giao công tác bàn giao mặt bằn cho lãnh đạo địa phương và các huyện nơi dự án đi qua bàn giao mặt bằng đúng hạn đồng thời đề nghị bố trí nguồn vốn để toàn bộ phần đường của dự án thi công vào năm 2016.

Thay mặt liên danh nhà thầu, ông Jun Dae Joo, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, dự án xây dựng cầu Hưng Hà nằm trong chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, là tuyến đường kết nối đồng bộ 2 tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình tạo thành liên kết vùng đồng bằng sông Hồng.

“Dù dự án chỉ dài có 6,7km nhưng cầu Hưng Hà được kỳ vọng năng lực mang lại kinh tế cho cả khu vực này. Tính lũy kế đến nay, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam với tổng mức hơn 43 tỷ USD. Trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ chia sẻ sự hợp tác với Việt Nam thông qua việc hình thành đối tác chiến lược giống như việc đầu tư cầu Hưng Hà nối 2 tỉnh Hà Nam và Hưng Yên giúp đi lại thuận tiện hơn,” Đại sứ Hàn Quốc Jun Dae Joo khẳng định.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trong 5 năm vừa qua, việc đầu tư vào giao thông được Đảng, Chính phủ chú trọng và qua đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

“Đầu tư cơ sở hạ tầng là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của quốc gia và của địa phương, Vì vậy, cơ sở hạ tầng là một trong các đột phá trong 5 năm qua, đóng góp hết sức to lớn vào kinh tế, bình quân phát triển kinh tế 6%/năm. Đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế đã đạt được rất nhiều kết quả. Đảng và Nhà nước xác định mục tiêu đột phá về hạ tầng giao thông vận tải tiếp tục được quan tâm,” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết.

Phó Thủ tướng cũng biểu dương lãnh đạo 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Nam cùng với Bộ Giao thông Vận tải đồng thời đánh giá cao nguồn vốn của Chính phủ Hàn Quốc (EDCF) đã hỗ trợ cho nước ta đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

“Dự án cầu Hưng Hà được hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam ứng nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trước khi động thổ và đáp ứng đúng tiến độ. Chủ đầu tư và nhà thầu nỗ lực hơn nữa để đảm bảo an toàn, đẹp về mỹ quan vì đây là cây cầu biểu tượng trên vùng đồng bằng sông Hồng, đòi hỏi chất lượng thi công phải đạt yêu cầu đề ra,” Phó Thủ tướng đề nghị./.

Cầu Hưng Hà được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt théo và bê tông cốt thép dự ứng lực. Bề rộng toàn cầu 22,5m có 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, bao gồm dải phân cách giữa và dải an toàn 1,5m. Bề rộng mặt đường cơ giới 14m; bề rộng làn xe thô sơ 6m.

Đối với tuyến chính theo tiêu chuẩn đường cấp 2 đồng bằng, tốc độ thiết kế châm chước 80km/giờ. Mặt cắt ngang nền đường 22,5m có 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, bao gồm dải phân cách giữa và dải an toàn 1,5m. Bề rộng mặt đường cơ giới 14m; bề rộng làn xe thô sơ 60m.

Đường gom được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 6 đồng bằng với bề rộng 6,5m bao gồm 3,5m mặt đường và 2x1,5m lề đất. Về đường tránh dưới đê, tại vị trí cầu vượt đê, thiết kế đường tránh chui dưới cầu.

Dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, đơn vị thực hiện và quản lý dự án là Ban Quản lý dự án 1. Nhà thầu Tư vấn Thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công gồm Liên danh Dohwa Engineering Co,Ltd-Dong Il Engineering & Consultants Co,Ltd-Jinwoo Engineering Korea Co,Ltd. Nhà thầu thi công là Hyundai Development Company (HDC).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục