Gần 8.200 tổ chức vi phạm liên quan đến đất đai

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2012 đến tháng 10/2013, cả nước có gần 8.200 tổ chức vi phạm với gần 119.000 ha đất.
Gần 8.200 tổ chức vi phạm liên quan đến đất đai ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Ông Lê Quốc Trung, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, sử dụng đất sai mục đích của các tổ chức đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương. Chỉ tính từ năm 2012 đến tháng 10/2013, cả nước đã có 8.159 tổ chức vi phạm với gần 119.000 ha đất.

Thông tin trên vừa được ông Trung đưa ra tại buổi "họp báo chuyên đề về công tác thanh tra tài nguyên và môi trường," do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng nay (14/11), tại Hà Nội.

Vi phạm tràn lan

Tại cuộc họp báo, ông Lê Quốc Trung, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết từ đầu năm 2012 đến tháng 10/2013, thanh tra Bộ và các tổng cục đã triển khai 173 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, có 43 cuộc kiểm tra hành chính và 130 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và đo đạc bản đồ.

“Qua kiểm tra, thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện vi phạm 190.453 ha đất; trong đó đã xử lý 106.662 ha đất. Thu hộp ngân sách 70.971 triệu đồng. Xử phạt hành chính 27.938 triệu đồng,” ông Trung tiết lộ.

Trình bày kết quả thanh tra, kiểm tra cụ thể về đất đai, ông Trung cho biết: Từ năm 2012 đến tháng 10/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 12 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiến nghị thu hồi 465,14 ha đất; trong đó có 3 cuộc thanh tra, kiểm tra diện rộng về đất đai tại 8 tỉnh, thành phố trọng điểm như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh...

Ngoài ra, các địa phương cũng đã thanh tra và báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Qua tổng hợp số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố từ năm 2012 đến tháng 10/2013, cả nước có 8.159 tổ chức vi phạm với diện tích gần 119.000 ha.

Chỉ tính đến tháng 5/2013, ngành tài nguyên và môi trường đã xử lý 5.178/8.159 tổ chức (đạt 63,46%) với diện tích đất 105.037 ha (đạt 88,43%); trong đó, các tỉnh đã thu hồi 38.771 ha đất của 819 tổ chức; đang lập hồ sơ thu hồi 27.095 ha đất của 559 tổ chức…

Về tài chính, ngành tài nguyên và môi trường đã truy thu nộp ngân sách Nhà nước 66.042 triệu đồng của 93 tổ chức; xử lý vi phạm hành chính 3.976 triệu đồng của 236 tổ chức, xử lý khác 2.748 triệu đồng của 22 tổ chức.

“Ngoài ra, trong năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tiến hành thanh tra diện rộng việc quản lý sử dụng đất của 5 nông lâm trường tại 4 tỉnh, thành phố và kiến nghị thu hồi 1.600 ha đất; truy thu trên 2 tỷ đồng tiền sử dụng đất,” ông Trung cho biết thêm.

Đề cập đến những tồn tại liên quan đến việc quản lý sử dụng đất nông-lâm trường tại các địa phương, ông Trung cho biết: Qua thanh tra cho thấy có một số tồn tại như phần lớn các nông lâm trường chưa đo đạc, lập bản đồ quản lý. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cắm mốc giới sử dụng đất còn thấp.

Cùng với đó, tình trạng tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất đai chưa được giải quyết triệt để. Cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật, chuyển mục đích sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật.

“Lỗi ở các địa phương”

Liên quan đến việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, song hiện vẫn còn tồn tại gần 90.000 ha đất chưa được xử lý, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng lỗi một phần vì kỷ cương ở các địa phương chưa nghiêm, triển khai chưa quyết liệt. Tuy nhiên, trong việc này, các địa phương cũng vướng về cơ chế chính sách.

“Ở đây có vấn đề thuộc về luật pháp còn thiếu những quy định cụ thể. Quy định dự án không triển khai quá 12 tháng- nói vậy rất đơn giản, nhưng để thu hồi lô đất đã được đầu tư thì không hề đơn giản. Vấn đề đầu tư của các doanh nghiệp trên đất cũng đang nan giải, vướng mắc. Tôi cũng hi vọng rằng Luật Đất đai sửa đổi sẽ khắc phục được những hạn chế đó,” trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển phân bua.

Với nhận định tương tự, ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng: Đối với các tổ chức, hành vi vi phạm chủ yếu là chập đưa đất vào sử dụng, sử dụng lãng phí, sử dụng không đúng mục đích. Trong việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có báo cáo Chính phủ.

“Tuy nhiên, thu hồi đất là vấn đề rất khó, còn nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý, nhất là các chủ đầu tư chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích. Ngoài ra, các chủ đầu tư đã đầu tư rồi nhưng chậm tiến độ rất khó xử lý,” ông Lịch phân tích.

Ông Lịch cũng cho biết, để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, Tổng cục Quản lý đất đai đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị 07 yêu cầu các tỉnh rà soát thu hồi các dự án kém hiệu quả, không đúng mục đích. Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thêm 1 năm nữa để các địa phương tiếp tục xử lý và chậm nhất đến 30/11/2013 các địa phương sẽ phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau đó bộ sẽ báo cáo Chính phủ./.

Từ năm 2012 đến tháng 10/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận 7.554 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đơn thư chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai với 7.361 lượt đơn (chiếm 97,45%). Đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải quyết được 47 vụ việc.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục