Gấp rút triển khai IPv6

Việt Nam xếp thứ 79 trên thế giới về triển khai IPv6

Việt Nam cần nhanh chóng triển khai IPv6 vì đây là giải pháp duy nhất để triển khai hạ tầng, dịch vụ công nghệ và Internet bền vững.
Được coi là giải pháp duy nhất để phát triển hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin và Internet bền vững, phiên bản địa chỉ internet mới IPv6 (Internet protocol version 6) đang được Việt Nam triển khai một cách bài bản. Hiện, chúng ta đang xếp thứ 79/258 quốc gia trên thế giới.

Thông tin trên được ông Nguyễn Trường Thành, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đưa ra trong buổi Hội thảo triển khai IPv6 tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, doanh nghiệp sản xuất thiết bị và phần mềm do Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia tổ chức ngày 9/10.

So với “tiền nhiệm” IPv4, IPv6 có lợi thế rất lớn khi có không gian địa chỉ gần như vô hạn; cho phép thiết bị tự động cấu hình các thông số phục vụ cho việc kết nối mạng như địa chỉ IP, địa chỉ máy chủ tên miền; khả năng bảo mật cao…

[VN lần đầu tiên tổ chức hội thảo quốc tế về IPv6]

Trên thực tế, IPv4 đã cạn kiệt vào tháng 4/2011. Do đó, các quốc gia đang tập trung triển khai IPv6 bên cạnh việc song song tồn tại IPv4. Con số thống kê của Alexa cho thấy, hơn 7% các website trong tốp 50 của Alexa đang chạy trên IPv6.

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6 vào năm 2011, chia làm 3 giai đoạn: Chuẩn bị (2011-2012); khởi động (2013-2015); chuyển đổi (2016-2019). Tháng 5/2013, mạng IPv6 quốc gia đã được khai trương, chính thức hiện diện cùng IPv4 trên mạng Internet.

“Hiện có 33 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã đăng ký và được phân bổ IPv6, tổ chức được 16 khóa đào tạo cho gần 400 cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp,” ông Thành nói.

Ngoài ra, đã có 35 website “.vn” triển khai IPv6, 5 nhà sản xuất thiết bị hỗ trợ IPv6 là Viettel, FPT Telecom, D-Link, Zyxel, Ruckus Wiless Inc.

Đại diện VNNIC cũng cho rằng, từ chỗ mơ hồ, tới nay IPv6 ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Tất cả các doanh nghiệp Internet, các tổ chức, doanh nghiệp lớn có hạ tầng công nghệ thông tin đều thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực về IPv6; hoàn thiện văn bản pháp luật, hướng dẫn về yêu cầu thiết bị phải tương thích với IPv6, ưu tiên hỗ trợ triển khai IPv6 cho các dự án công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước…

Tuy nhiên, lưu lượng và sự hiện diện của IPv6 ở Việt Nam còn hạn chế do thiết bị hỗ trợ đầu cuối chưa đa dạng, ứng dụng hỗ trợ chưa nhiều. Ngoài ra, mức độ hưởng ứng các hoạt động về IPv6 của các doanh nghiệp còn chưa đồng đều, đặc biệt là chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung.

Ông Thành cũng nói, không thể chuyển đổi sang IPv6 một cách ngay lập tức mà phải chuẩn bị từ bây giờ, để bảo đảm phát triển ổn định trong tương lai. Trong thời điểm này, doanh nghiệp cần đảm bảo cơ sở hạ tầng hỗ trợ đồng thời IPv4 và IPv6 để các dịch vụ không bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, để IPv6 phát triển, các nhà sản xuất thiết bị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, phần mềm, nội dung số cần phải tham gia đồng bộ. Cần tạo chính sách, cơ chế truyền thông, đào tạo nhằm thúc đẩy toàn diện triển khai IPv6 tới người sử dụng cuối; hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký chứng nhận IPv6; thiết lập phòng đo kiểm, chứng nhận IPv6 tại Việt Nam (chứng nhận thiết bị, ứng dụng, con người…)./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục