GDP của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 dự kiến đạt 9,8%

GDP của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 dự kiến đạt con số 9,8%

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân khẳng định tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của thành phố năm nay sẽ dự kiến đạt con số 9,8%.
GDP của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 dự kiến đạt con số 9,8% ảnh 1Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh mua sắm tại Co.opXtra. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội, tổ chức ngày 26/11, trong 11 tháng qua kinh tế của thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, có xu hướng phát triển ngày càng tích cực.

Đây là một bước ngoặt lớn và là đòn bẩy tạo thế cũng như lực để Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2015.

Nhiều lĩnh vực kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng khá. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) của thành phố ước tăng 7,7% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,8%). Đặc biệt, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng.

Cụ thể, bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất-cao su-nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) ước tăng 8,1% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.

Một điểm sáng quan trọng của kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng. Tính đến ngày 20/11 vừa qua, thành phố có 517 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 141 dự án điều chỉnh tăng vốn, tính chung tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 3,2 tỷ USD, tăng 1,7% so cùng kỳ.

Đáng ghi nhận có khoảng gần 28.700 doanh nghiệp trong nước được cấp phép thành lập mới tại địa bàn thành phố.

Riêng tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước đến cuối tháng 11 đạt trên 1,5 tỷ đồng, tăng 12% so cuối năm 2014 và tăng 16,7% so cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi VND tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, cụ thể chiếm hơn 84% tổng nguồn vốn huy động.

Điều này cho thấy, các chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất tiếp tục phát huy hiệu quả, dư nợ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chiếm khoảng 80% tổng dư nợ tín dụng của thành phố.

Theo nhận định của đại diện Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ vào việc thực hiện tốt công tác quản lý thị trường và chương trình bình ổn thị trường đã góp phần kìm hãm chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Kết quả chỉ số này chỉ tăng 0,1% so với tháng trước. Bên cạnh đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 60.939 tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,9%).

Báo cáo về tình hình thu-chi ngân sách thành phố, ông Sử Ngọc Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước trong 11 tháng ước thực hiện đạt hơn 247.000 tỷ đồng, tăng 5,63% so cùng kỳ.

Mức tăng này thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2014 nhưng cao hơn mức tăng 2013. Tuy nhiên tình hình thu ngân sách trên địa bàn thành phố 11 tháng năm nay vẫn khả quan, đạt gần 93% dự toán. GDP năm 2015 sẽ đạt 9,8%.

Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm này, thành phố đã hoàn thành 18/19 chỉ tiêu đề ra và kinh tế thành phố tăng trưởng ổn định.

Kết quả này là do các sở, ngành thành phố đã triển khai tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giải quyết hàng tồn kho bất động sản, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực, hỗ trợ và làm tăng thêm niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển kinh tế của thành phố.

Ông Lê Hoàng Quân khẳng định tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của thành phố năm 2015 sẽ dự kiến đạt con số 9,8%.

Tuy nhiên, để đạt được con số GDP này và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến hết năm 2015 và tạo tiền đề cho năm 2016, các sở, ban ngành, địa phương và doanh nghiệp thành phố cần chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Bính Thân.

Bên cạnh đó, các sở, ngành thành phố cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và chuẩn bị cho công tác chuẩn bị hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay; trong đó, chú trọng các công tác chuẩn bị về tài chính, thuế, giáo dục, y tế, thương mại, việc làm…

Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cùng với sự phát triển chung của kinh tế cả nước, tình hình kinh tế 11 tháng qua của Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều điểm sáng về tăng trưởng.

Đồng thời, qua một số chỉ tiêu phát triển cho thấy, tổng cầu kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng ổn định; trong đó, thành phố vẫn giữ vẫn vị trí là địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước, góp phần không nhỏ trong việc tạo ra việc làm mới cho người lao động.

Nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục thực hiện nhiều chương trình, biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong tháng cuối năm.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 12 tới như tăng cường chống thất thu và giảm nợ thuế; xúc tiến đầu tư thương mại với các địa phương khác nhằm tạo thêm cơ hội kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

Ngoài ra, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố, còn yêu cầu các hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp; tập trung điều hành các giải pháp tín dụng linh hoạt, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ và có hiệu quả cao thị trường ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục