Giá dầu biến động sau khi các nước sản xuất duy trì giảm sản lượng

Các nhà đầu tư tỏ ra thất vọng việc các thành viên OPEC và các quốc gia ngoài nhóm này quyết định tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ thêm 9 tháng, giá dầu thế giới giảm mạnh ngày 25/5.
Giá dầu biến động sau khi các nước sản xuất duy trì giảm sản lượng ảnh 1Toàn cảnh phiên họp lần thứ 172 của OPEC tại Vienna, Áo ngày 25/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh các nhà đầu tư tỏ ra thất vọng về việc các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia ngoài nhóm này quyết định tiếp tục thực hiện cắt giảm sản lượng dầu mỏ thêm 9 tháng, giá dầu trên thế giới đã giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 25/5.

Tại thị trường New York​ của Mỹ, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Bảy tới đã giảm 2,46 USD xuống còn 48,9 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tại thị trường London của Anh giao cùng thời điểm giảm 2,5 USD xuống còn 51,46 USD/thùng.

Trước đó, cùng ngày, trong cuộc họp tại Vienna của Áo, các nước trong và ngoài OPEC đã quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ thêm 9 tháng, cho tới tháng 3/2018.

[Các nước OPEC sẽ nới rộng thời hạn cắt giảm sản lượng khai thác dầu]

Dự kiến, một ủy ban chung giữa các nước trong và ngoài OPEC sẽ xem xét tiến trình này vào tháng Bảy tới tại Nga.

Nhằm ứng phó tình trạng giá dầu thô thế giới giảm mạnh kể từ giữa năm 2014, OPEC và 11 nước ngoài tổ chức này đã ký thỏa thuận vào cuối năm 2016 nhằm cắt giảm sản lượng khai thác tổng cộng 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng ​Một năm nay.

Cụ thể, các nước thành viên OPEC sẽ cắt giảm khai thác 1,2 triệu thùng/ngày, còn các nước ngoài OPEC, trong đó có Nga, cắt giảm 600.000 thùng/ngày.

Việc cắt giảm thỏa thuận này đã đẩy giá dầu lên trên 50 USD/thùng so với mức thấp kỷ lục dưới 30 USD/thùng hồi năm ngoái.

Giá dầu giảm bắt đầu vào năm 2014 đã buộc Nga và Saudi Arabia thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" và gây ra bất ổn tại một số nước sản xuất dầu mỏ là Venezuela và Nigeria.

Tuy nhiên, giá dầu tăng trong năm nay đã thúc đẩy ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ - nước không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng, làm chậm tiến độ điều chỉnh cân bằng giữa thị trường và dự trữ dầu thô toàn cầu hiện vẫn ở mức cao gần kỷ lục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục