Giá dầu có lúc tăng lên mức cao nhất 6 tháng qua

Giá dầu Brent ngày 9/2 đã tăng lên 118,79 USD/thùng khi các thị trường lo ngại về những căng thẳng ngày càng gia tăng tại Iran.
Trong bối cảnh các thị trường tài chính và hàng hóa phần lớn đi xuống trong tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn có một tuần tăng cao hơn so với tuần trước nữa.

Trong tuần qua, giá dầu Brent biển Bắc thậm chí còn leo lên mức cao nhất 6 tháng qua, khi mùa Đông năm nay ở Bắc bán cầu quá khắc nghiệt, trong khi tình hình tại Iran vẫn tiếp tục căng thẳng và xuất hiện thêm những bất lợi mới về nguồn cung dầu mỏ.

Giá dầu Brent đã tăng lên 118,79 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 1/8/2011 đến nay, trong phiên 9/2 khi các thị trường lo ngại về những căng thẳng ngày càng gia tăng tại nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt Iran, nguồn cung bị đe dọa từ Sudan và Nigeria, những diễn biễn khá tích cực trong tiến trình thỏa thuận các giải pháp giải quyết nợ công ở Hy Lạp cùng đồng USD yếu đi. Hỗ trợ cho giá dầu phiên này còn là những điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại châu Âu, với những dự báo rằng các đợt giá rét bất thường sẽ còn tiếp tục kéo dài cho đến cuối tháng Hai.

Tuy nhiên, sức nóng của giá dầu trong tuần qua phần nào cũng bị nguội bớt khi các nhà đầu tư cân nhắc về tình hình tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc (xuất, nhập khẩu đều giảm trong tháng 1/2012), kéo theo khả năng nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới cũng giảm đi. Tương tự, nhu cầu cũng sụt giảm tại Mỹ - quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn số 1 thế giới.

Ngoài ra, giá dầu còn bị ảnh hưởng giảm giá từ nhân tố Hy Lạp. Các Bộ trưởng Tài chính khối Eurozone ngày 9/2 đã quyết định trì hoãn gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp nhằm cứu nước này thoát khỏi khả năng vỡ nợ, buộc Hy Lạp chỉ còn chưa đầy một tuần để đáp ứng những yêu cầu mới hòng có được gói cứu trợ.

Hy Lạp đang phải "vắt chân lên cổ" chạy đua với thời gian để hoàn tất thỏa thuận gói cắt giảm ngân sách bổ sung để có được gói cứu trợ trị giá 130 tỷ euro (171 tỷ USD) và đang đối mặt với khả năng vỡ nợ vào ngày 20/3 tới nếu không trả được khoản vay 14,5 tỷ euro đến ngày đáo hạn. Quyết định cuối cùng sẽ được định đoạt sau cuộc bỏ phiếu then chốt về gói giải pháp khắc khổ bổ sung diễn ra trong ngày 12/2.

Tính đến hết phiên cuối tuần ngày 12/2, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 3/2012 chốt tuần leo lên mức 98,04 USD/thùng, so với 97,31 USD/thùng của cuối tuần trước nữa, trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ vọt lên 116,93 USD/thùng, so với 113,38 USD/thùng của cuối tuần trước nữa.

Trước đó, giá dầu đã giảm ngay trong phiên đầu tuần 6/2 trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ chưa tìm ra lối thoát tại Hy Lạp cùng việc gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông và châu Phi.

Giá dầu chịu sức ép nặng nề khi Hy Lạp bắt đầu các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về các biện pháp cần thiết để các cơ quan này "mở khóa" cho khoản cứu trợ mới trị giá 130 tỷ euro (171 tỷ USD), vốn bị đình trệ từ tháng 10 năm ngoái; đồng thời tiến hành các cuộc đàm phán với các chủ nợ tư nhân để có thể giảm đáng kể "núi nợ" 350 tỷ euro hiện nay của nước này, trong đó có tới 14,4 tỷ euro sẽ đáo hạn vào ngày 20/3/2012.

Trong khi đó, căng thẳng vẫn không ngừng leo thang tại khu vực đồng bằng Niger (Nigeria) khi lực lượng nổi dậy phá hủy đường ống dẫn dầu tại khu vực này. Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi, hiện sản xuất hơn 2 triệu thùng dầu/ngày, chủ yếu cung cấp cho Mỹ và các nước EU.

Sang phiên 7/2, giá dầu vẫn tiếp tục giảm trên thị trường châu Á trước mối lo ngại của giới đầu tư về việc Hy Lạp có thể không nhận được gói cứu trợ tài chính thứ hai và những đồn đoán nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Mỹ giảm sút.

Tuy nhiên, trong phiên cùng ngày tại Mỹ và châu Âu, giá dầu lại quay đầu đi lên nhờ nhận định lạc quan của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) về triển vọng kinh tế châu Âu, theo đó ông Bernanke cho rằng chỉ có các nền kinh tế yếu kém của EU có nguy cơ rơi vào suy thoái, còn các nước khác vẫn sẽ nằm trong “vùng an toàn."

Chốt phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 3/2012 tăng 1,5 USD, đóng cửa ở mức 98,41 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 30 xu, đứng ở mức 116,23 USD/thùng, sau khi có lúc vọt lên mức 117 USD/thùng vào giữa phiên, cao nhất trong vòng 6 tháng qua.

Trong hai phiên tiếp theo vào các ngày 8 và 9/2, giá dầu trên tất cả các thị trường đều "lao lên" trong bối cảnh thị trường đón nhận những tín hiệu tích cực từ Hy Lạp, làm dấy lên hy vọng về thành công của thỏa thuận hoán đổi nợ và cứu trợ dành cho nước này. Chính phủ Hy Lạp ngày 8/2 cho biết nước này sắp đạt được thỏa thuận về các biện pháp khắc khổ mới. Điều này đồng nghĩa với việc EU, IMF và ECB sẽ dành cho Hy Lạp gói cứu trợ thứ hai.

Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần ngày 10/2, thị trường dầu mỏ đã thoái lui sau khi tăng mạnh trong 2 phiên trước khi các nhà đầu tư thất vọng về việc gói cứu trợ dành cho Hy Lạp một lần nữa lại bị đình lại. Để nhận được gói cứu trợ, Hy Lạp còn cần phải cắt giảm chi tiêu thêm 325 triệu euro (432 triệu USD) trong năm 2012.

Ngoài nhân tố Hy Lạp, giá dầu trong phiên này còn chịu sức ép giảm giá sau khi OPEC cắt giảm dự báo về mức tăng của nhu cầu dầu trên toàn cầu trong năm 2012, theo đó tổ chức này cho rằng nhu cầu dầu hàng ngày trong năm nay chỉ ở mức 88,76 triệu thùng, giảm so với dự báo trước đó là 88,90 triệu thùng/ngày.

Đóng cửa phiên 10/2 tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3/2012 giảm 1,80 USD xuống 98,04 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm mạnh 1,66 USD xuống 116,93 USD/thùng./.

Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục