Giá dầu thô đi xuống ở châu Á do dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng

Giá dầu thô Brent Biển Bắc ở mức 71,06 USD/thùng vào lúc 13 giờ 46 phút theo giờ Việt Nam, giảm 18 xu, hay 0,3%, so với mức chốt phiên trước.
Một cơ sở khai thác dầu ở ngoại ô Baku của Azerbaijan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cơ sở khai thác dầu ở ngoại ô Baku của Azerbaijan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ căng thẳng leo thang ở Trung Đông, song giá dầu thô vẫn giảm trong phiên 15/5 tại châu Á, sau khi các số liệu vừa công bố cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng, trong khi sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng thấp hơn dự kiến trong tháng Tư vừa qua.

Giá dầu thô Brent Biển Bắc ở mức 71,06 USD/thùng vào lúc 13 giờ 46 phút theo giờ Việt Nam, giảm 18 xu, hay 0,3%, so với mức chốt phiên trước. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) kỳ hạn của Mỹ ở mức 61,33 USD/thùng, giảm 45 xu, hay 0,7%.

Theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước bất ngờ tăng 8,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 10/5 vừa qua, lên 477,8 triệu thùng, trái ngược với dự báo trước đó của giới phân tích là giảm 800.000 thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng, thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, sẽ công bố số liệu chính thức trong ngày 15/5.

[Giá dầu thị trường thế giới đi xuống theo đà giảm trên Phố Wall]

Tại Trung Quốc, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của nước này giảm xuống mức 5,4% trong tháng Tư, so với mức tăng 8,5% của tháng Ba vừa qua. Điều đó cho thấy Bắc Kinh có thể sẽ phải đưa ra các biện pháp kích thích bổ sung trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang.

Trong khi đó, giá dầu đang nhận được sự hỗ trợ từ việc Saudi Arabia, nước chủ chốt trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ngày 14/5 đã ngừng bơm dầu thô qua đường ống dẫn dầu chính, sau khi xảy ra một vụ tấn công bằng máy bay không người lái cùng ngày trước đó nhằm vào đường ống dẫn dầu này, trong khi hai tàu chở dầu của nước này cũng đã bị tấn công ở gần Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Các vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau quyết định của Mỹ hồi tháng trước nhằm đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về con số không và tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng Vịnh trước những gì được cho là các mối đe dọa đến từ Iran.

Trong khi đó, OPEC ngày 14/5 cho biết nhu cầu của thế giới đối với dầu thô của các nước thành viên OPEC trong năm nay sẽ cao hơn dự báo khi tăng trưởng nguồn cung từ các đối thủ như các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ chậm lại. Điều này cho thấy thị trường sẽ được thắt chặt hơn nếu OPEC chưa tăng sản lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục