Giá đường thế giới tăng lên mức kỷ lục

Giá đường thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 28 năm qua, do sản lượng đường trên toàn cầu sụt giảm, khó đáp ứng nhu cầu ngắn hạn.
Giá đường thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 28 năm qua giữa lúc sản lượng mía ở Ấn Độ, nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới, sụt giảm.

Theo ông S.L. Jain, Giám đốc điều hành Hiệp hội nhà máy đường Ấn Độ, nhiều năm qua nông dân nước này chuyển từ trồng mía sang trồng các loại hoa màu mang lại nhiều giá trị hơn.

Giá thực phẩm đã tăng 72% trong khi giá mía chỉ tăng 24%. Vì vậy, đất trồng mía không cạnh tranh nổi với các loại hoa màu khác.

Tính đến tháng 10/2009, sản lượng mía của Ấn Độ ước tính sụt giảm tới 40% xuống chỉ còn 14,8 triệu tấn. Ông Jain cảnh báo ngành công nghiệp đường hiện đang đứng trước thời điểm cấp thiết có thể báo hiệu sự kết thúc vị thế của Ấn Độ là nước xuất khẩu đường hàng đầu.

Thời tiết xấu ở nhiều nước trồng mía như Brazil - nước xuất khẩu đường nhiều nhất thế giới, và việc chuyển sang trồng các loại hoa mầu khác ở một số nơi khác cũng góp phần làm giảm sản lượng đường trên toàn cầu.

Cho đến gần đây Ấn Độ vẫn là nước xuất khẩu đường thứ hai sau Brazil, nhưng hiện Thái Lan đã chiếm vị trí này. Ấn Độ cũng là nước tiêu thụ đường nhiều nhất thế giới, 22,5 triệu tấn/năm và sẽ phải nhập hàng triệu tấn trong năm nay để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Nếu Ấn Độ ngừng xuất khẩu đường thì giá có thể còn tăng cao hơn nữa, và ngay cả Thái Lan cũng không sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu của thế giới trong ngắn hạn.

Giá đường tăng còn khiến nhiều người ở châu Á lo ngại các loại thực phẩm ngọt phục vụ hai ngày lễ lớn sắp tới là lễ kết thúc tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo và Tết Trung Thu sẽ đắt đỏ hơn./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục