Gia Lai: Tháo gỡ vướng mắc cho Khu công nghiệp Nam Pleiku

Sau 1 năm khởi công xây dựng, vướng mắc về giá thuê đất tại Khu công nghiệp Nam Pleiku (tỉnh Gia Lai) vẫn chưa được đôi bên tháo gỡ kéo theo nguy cơ chậm tiến độ dự án.
Gia Lai: Tháo gỡ vướng mắc cho Khu công nghiệp Nam Pleiku ảnh 1Một góc thành phố Pleiku. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Dù đã khởi công xây dựng tròn 1 năm nhưng đến nay, Khu công nghiệp Nam Pleiku (tỉnh Gia Lai) vẫn chưa thể “mở cửa” đón nhà đầu tư. Vướng mắc về đơn giá thuê đất đang làm chậm nhịp tiến độ của dự án.

Dự án Khu công nghiệp Nam Pleiku nằm dọc Quốc lộ 14, cách trung tâm thành phố Pleiku 18km.

Dự án do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Chư Sê làm chủ đầu tư với diện tích gần 200ha, trong đó diện tích đất kinh doanh 136,07ha, tổng vốn đầu tư trên 517 tỷ đồng.

Theo tiến độ, dự án được chia làm 2 giai đoạn, thực hiện trong vòng 4 năm (2020-2024). Dự kiến dự án bắt đầu cho thuê từ năm 2022 cho đến năm 2025 và sẽ được lấp đầy. Dự án được khởi công vào ngày 8/12/2019.

[Công nghiệp hỗ trợ phát triển tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh]

Tuy nhiên, cho đến nay, sau 1 năm khởi công xây dựng, vướng mắc về giá thuê đất vẫn chưa được đôi bên tháo gỡ kéo theo nguy cơ chậm tiến độ dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, phụ trách Khu công nghiệp Nam Pleiku, với giá thuê đất hơn 16.000 đồng/m2/năm cùng với thuế đất hơn 4.000 đồng/m2 thì các nhà đầu tư sẽ không vào khu công nghiệp vì giá quá cao, chưa kể tiền thuê hạ tầng, chi phí cho các khoản như điện, nước, xử lý môi trường… Do đó, đại diện khu công nghiệp đang kiến nghị xem xét miễn tiền thuế đất. Nếu được, khả năng khu công nghiệp sẽ được lấp đầy theo như dự kiến.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lộc cũng cho biết: "Chúng tôi đã có 7 cuộc làm việc với Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý Dự án Khu kinh tế tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai để cố gắng sớm tháo gỡ các vướng mắc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả khả quan."

Khu công nghiệp Nam Pleiku hình thành sẽ tiếp nhận các ngành nghề sạch, ít ô nhiễm độc hại như chế biến nông lâm sản, sản xuất nguyên liệu sinh học, sản phẩm từ nông sản có giá trị cao...; chế biến thực phẩm, công nghiệp tiêu dùng, chế biến thức ăn gia súc...; công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí phục vụ nông nghiệp...

Hiện nay, đã có 6 nhà đầu tư đăng ký các dự án tại khu công nghiệp gồm các ngành nghề như xây dựng nhà xưởng, thu mua và chế biến nông sản; chế biến càphê bột và càphê hòa tan; sản xuất máy nông nghiệp và phân bón; dự án cảng cạn IDC... với tổng diện tích đăng ký là 74,77ha, đạt 55% tổng diện tích kinh doanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục