Giá trị nhân văn trong thơ về độc lập tự do của Việt Nam

Các học giả và tác gia Nhật Bản đánh giá cao những giá trị nhân văn và giá trị lịch sử trong các vần thơ về độc lập tự do của Việt Nam.
Giá trị nhân văn trong thơ về độc lập tự do của Việt Nam ảnh 1Phó Giáo sư ngữ học Shimizu Masaaki bình bài thơ“Quê hương” của Giang Nam. (Nguồn: Hữu Thắng/Vietnam+)

Các học giả và tác gia của Nhật Bản đều đánh giá cao những giá trị nhân văn và giá trị lịch sử trong các vần thơ về độc lập tự do của Việt Nam, thể hiện nhân cách anh hùng và tinh thần bất khuất kiên cường của con người Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm.

Tại Đại học Toyo, Tokyo, chiều 9/11, nhóm các học giả Nhật Bản đã tiến hành thảo luận về giá trị văn học, lịch sử và tính nhân văn trong các vần thơ về độc lập tự do của Việt Nam trong chặng đường hàng nghìn năm lịch sử.

Trong bài phát biểu tại chương trình kỷ niệm xuất bản do Công ty xuất bản Coal Sack tổ chức, Phó Giáo sư ngữ học Đại học Osaka Shimizu Masaaki đã trình bày khái quát nội dung “Tuyển tập 175 bài thơ về độc lập và tự do”.

Phó Giáo sư Masaaki cũng nêu bật những đặc trưng trong thơ Việt với lối chơi chữ, niêm luật và lịch sử ly khai khỏi phương Bắc trong văn hoá của người Việt. Trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, tiếng Việt bị ảnh hưởng bởi văn hoá Trung Quốc và trong thi ca, thể thơ chữ Hán năm chữ và bảy chữ xuất hiện nhiều.

Tuy nhiên, với ý thức tự lực tự cường, người Việt đã nghĩ ra chữ Nôm, bồi đắp và nuôi dưỡng các thể thơ mang tâm hồn Việt như thể lục bát và song thất lục bát.

Ông Masaaki cũng lấy ví dụ bằng các bài thơ lục bát từ thơ dân gian cho đến các tác phẩm thi ca hiện đại để chứng minh cho tính liên tục và sức sống của dòng thơ này trong đời sống tinh thần người Việt.

Phó Giáo sư cũng nêu bật nỗi đau của con người trong chiến tranh, những cuộc chia ly không hẹn ngày về của các đôi trai gái, khát vọng hoà bình-độc lập của cả một dân tộc trong lịch sử dựng nước hàng nghìn năm, sự vĩ đại và đức hy sinh cao cả của những người mẹ, người vợ.

Phó Giáo sư đặc biệt ấn tượng với bài thơ “Quê hương” của Giang Nam bởi bài thơ đã khắc hoạ khá toàn diện bối cảnh lịch sử và con người Việt Nam trong chiến tranh. Đó là bức tranh về ký ức tuổi thơ, tình yêu lứa đôi, về làng quê Việt Nam những ngày tháng yên bình, sự tàn khốc của chiến tranh, nỗi đau mất đi người thân, lòng căm thù giặc và tình yêu quê hương như máu thịt. Diễn giả đã phải nhiều lần ngừng đọc vì xúc động.

Đánh giá về tuyển tập thơ về độc lập tự do của nhóm dịch giả, Chủ biên kiêm Giám đốc Công ty xuất bản Coal Sack Suzuki Hisao cho rằng chặng đường thơ của Việt Nam là chặng đường đi lên từ nỗi đau và mất mát và trong đau thương, phẩm chất của con người luôn sáng ngời với niềm hy vọng và khát khao cháy bỏng cho ngày độc lập và toàn thắng. Thơ Việt buồn nhưng không bi lụy, đau mà vẫn ánh lên niềm tin.

Hội thảo cũng đánh giá cao những đóng góp của nhóm dịch giả Nhật Bản và Việt Nam trong việc biên soạn và dịch hai cuốn sách “Tuyển tập 175 bài thơ về độc lập và tự do” và cuốn “Hồi ký Gia đình, Bạn bè và Đất nước” của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

Giá trị nhân văn trong thơ về độc lập tự do của Việt Nam ảnh 2Giám đốc Công ty xuất bản Coal Sack, Suzuki Hisao, và hai cuốn sách ““Tuyển tập 175 bài thơ về độc lập và tự do” và cuốn “Hồi ký Gia đình, Bạn bè và Đất nước”. (Nguồn: Hữu Thắng/Vietnam+)

Tại cuộc hội thảo, ông Konaka Yotaro, tác gia đồng thời cũng là cựu chiến binh phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, đã kể về những kỷ niệm của ông trong những lần gặp nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng như những ấn tượng sâu sắc về cuốn hồi ký của bà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục