“Giấc mộng châu Âu” có bị tan vỡ vì cơn khủng hoảng Hy Lạp?

Thất bại của Liên minh châu Âu (EU) trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể đe dọa tới “giấc mơ” của EU thời hậu chiến về một “liên minh gần gũi hơn bao giờ hết.”
“Giấc mộng châu Âu” có bị tan vỡ vì cơn khủng hoảng Hy Lạp? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Giới phân tích cho rằng thất bại của Liên minh châu Âu (EU) trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể đe dọa tới “giấc mơ” của EU thời hậu chiến về một “liên minh gần gũi hơn bao giờ hết.”

Tình hình hỗn loạn tại Hy Lạp diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang “đau đầu” giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư tại Địa Trung Hải, bên cạnh cuộc xung đột tại Ukraine vốn đẩy mối quan hệ EU-Nga xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp là khoảnh khắc “tồn tại hay không tồn tại” đối với dự án (nhất thể hóa) của EU, khi bản thân Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố rằng “nếu đồng euro sụp đổ, thì châu Âu sụp đổ.”

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, ngay cả khi Brussels có thể giữ Athens ở lại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) thì cuộc khủng hoảng này sẽ gieo rắc sự ngờ vực sâu vào cội rễ của dự án 60 năm tuổi nhằm xây dựng một châu Âu thống nhất sau hai cuộc chiến tranh thế giới. Janis Emmanouilidis, nhà hoạch định chính sách tại Trung tâm chính sách châu Âu, nói: “Điều này chắc chắn sẽ để lại vết sẹo và sự mất lòng tin.”

Sự ra đời của đồng tiền chung châu Âu 15 năm trước được ca ngợi là thời khắc đoàn kết của lục địa 500 triệu dân, song những ngày gần đây, “giấc mộng nhất thể hóa” đã tụt dốc xuống mức mà ông Emmanouilidis gọi nó là “ác mộng.” Các ngân hàng Hy Lạp đóng cửa, người dân Hy Lạp đổ xô đi rút tiền, lãnh đạo châu Âu và Hy Lạp thì đổ lỗi cho nhau về tình trạng hiện nay.

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 29/6 cảnh báo rằng nếu Hy Lạp nói “Không” với đề xuất cải cách của các chủ nợ quốc tế trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, Athens sẽ phải rời khỏi Eurozone, cho dù đó là điều mà các nhà lãnh đạo châu Âu không hề mong muốn.

Nhà phân tích Pieter Cleppe tại Open Europe đánh giá: “Đây thực sự là đòn giáng mạnh vào dự án của Eurozone, ngay cả khi họ giữ được Hy Lạp ở lại.” Chia sẻ quan điểm này, Nicolas Veron thuộc cơ quan hoạch định chính sách Breugel (Bỉ), cũng cho rằng kể cả khi tránh khỏi tai họa, cuộc khủng hoảng Hy Lạp cũng sẽ gây ra những hậu quả kéo dài với EU, trên phương diện các cải cách cần thiết. Khủng hoảng đã hé lộ hệ thống quản trị của EU không hiệu quả, không có khả năng đưa ra các quyết định quan trọng trong khung thời gian cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục