Giải bài toán nghịch lý cung-cầu lao động Dệt may

Để giữ được vị trí số 1 về xuất khẩu, thì chăm lo người lao động là khâu đột phá trong chiến lược phát triển của ngành dệt may VN.
Nghịch lý về cung-cầu lao động vẫn là tồn tại lâu nay của ngành xuất khẩu lớn nhất này. Chính vì vậy, việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân được xác định là khâu đột phá trong chiến lược phát triển bền vững của ngành công nghiệp lớn nhất cả nước này.

Thay đổi từ tư duy

Tính đến hết tháng Mười năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã đạt 11,7 tỷ USD và khả năng cả năm 2011 sẽ vượt đích 13,5 tỷ USD. Có được những thành tích trên là nhờ sự đóng góp không nhỏ của trên 2 triệu lao động toàn ngành.

Đằng sau những con số ấn tượng này là cả sự chuyển mình rõ rệt của ngành dệt may. Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), để vươn lên trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn của cả nước thì Vinatex đã đặt vấn đề nguồn lực cũng như chất lượng lao động làm trung tâm và chế độ của người công nhân luôn phải đi trước một bước.

Nếu như mức thu nhập bình quân người lao động toàn Tập đoàn năm 2010 là 3.300.000 đồng người/tháng, thì từ năm 2011 đã đạt trên 3.800.000 đồng/người/tháng.

Một số doanh nghiệp có mức thu nhập bình quân khá như May Việt Tiến là 4.245.000 đồng/người/tháng; May Hưng Yên là 4.846.000đồng/người tháng, Dệt Phong Phú là 4.249.000 đồng/người/tháng và Dệt Thắng Lợi cũng đạt xấp xỉ 4.807.000đồng/người/tháng…

Một số doanh nghiệp nhỏ ở địa phương sản xuất kinh doanh kém hiệu quả sau khi về với Tập đoàn thì bắt đầu có lãi, với mức thu nhập bình quân cũng  đạt xấp xỉ 3.000.000đ/người/tháng.

Công ty cổ phần May Hưng Yên là một trong những doanh nghiệp lớn, trước đây mục tiêu tăng trưởng kinh doanh vẫn là ưu tiên số 1 của mình. Nhưng hiện nay, điều doanh nghiệp này quan tâm nhất chính là việc phát triển bền vững, coi người lao động là trung tâm cho sự phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc chia sẻ, người lao động tạo nên giá trị của doanh nghiệp. Tuyển dụng được lao động thời buổi này đã khó, nhưng giữ được chân họ còn khó hơn gấp bội phần.

"Do vậy, không gì khác chính là vấn đề tích luỹ kinh nghiệm quản lý cũng như chính sách về quan hệ lao động tốt, điều đó thể hiện trong việc doanh nghiệp chịu giảm lợi nhuận để tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên, chăm lo tốt hơn cho người lao động. Cùng với đó là việc đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc để tăng năng suất," ông Dương nhấn mạnh.

Sau 6 tháng thực tập tại Công ty cổ phần may Hưng Yên, chị Vũ Thị Hoa, 35 tuổi đã trở thành Trưởng chuyền Tổ sản xuất 4, quản lý 55 công nhân. Chị Hoa bộc bạch, ước mơ được làm việc tại một nhà máy với thu nhập ổn định là niềm mong ước của nhiều công nhân ngoại tỉnh, với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng thì ngoài giờ làm mọi người vẫn có thể chăm lo cho cuộc sống gia đình và nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.

Anh Nguyễn Văn Ngà hiện là Tổ trưởng Tổ sản xuất 2 cũng cho biết, nhiều công nhân May đã không còn phải lo ngày vào nhà máy, tối chạy ngoài làm thêm nữa, nếu làm chăm chỉ thì thu nhập của công nhân cũng ổn định hơn rất nhiều.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần May Sơn Động, ông Nguyễn Dương cũng  hồ hởi "khoe", sau một năm thành lập theo Nghị quyết 30A của Chính phủ, nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững cho bà con dân tộc ở Sơn Động-Bắc Giang, đến nay thu nhập bình quân công nhân của công ty đã đạt 2.800.000đ/người/tháng.

Ngoài tiền lương, các doanh nghiệp còn có các chế độ tiền thưởng khác như thưởng năng suất, tiết kiệm vật tư, làm việc chuyên cần để khuyến khích người lao động; hỗ trợ tiền tàu xe cho công nhân về nghỉ Tết…

Tạo sự gắn kết lâu dài

Không chỉ đảm bảo mức thu nhập cho người lao động nhằm giảm bớt khó khăn khi giá sinh hoạt tăng, lãnh đạo các doanh nghiệp đều lo bữa ăn công nghiệp cho người lao động với mỗi suất ăn 15.000/bữa (không tính khấu hao đồ quân dụng và lương người phục vụ) đảm bảo ăn ngon đủ chất đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, xác định người lao động như tài sản của doanh nghiệp, ngoài câu chuyện tiền lương, Công ty Cổ phần may Hưng Yên được xem như đơn vị đi tiên phong trong việc xây dựng nhà ở cho người lao động.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho hay, công ty không né tránh những vấn đề khó khăn, bức xúc và những nhu cầu thiết yếu, rất cơ bản của người lao động như vấn đề nhà ở, nhà trẻ, thời gian làm việc và nghỉ ngơi.

Vì vậy, từ năm 2008, Công ty đã xây dựng được 70 căn hộ để bố trí chỗ ăn ở cho người lao động. Nhờ đó, ngay cả những tháng cao điểm như sau thời gian nghỉ lễ, Tết, công nhân vẫn quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp đầy đủ.

Trong năm 2011, công ty dự kiến sẽ đầu tư xây dựng thêm chung cư cao tầng trên mặt bằng hiện có để bố trí chỗ ở lâu dài cho những lao động có nhu cầu. Không dừng lại đó, May Hưng Yên cũng là một trong số ít các đơn vị còn duy trì được nhà trẻ cho con cán bộ công nhân viên, tiếp nhận nuôi dạy các cháu từ 6 tháng tuổi trở lên để bố mẹ yên tâm lao động sản xuất và đóng góp cho doanh nghiệp.

Đây cũng là mô hình nhân rộng của nhiều doanh nghiệp ngành May nhằm giữ chân người lao động. Bà Lê Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty may Norfolk Hatexco có cơ sở sản xuất tại Khu Công Nghiệp Đồng Văn, Hà Nam cho biết, đặc thù của lao động ở khu vực này là không muốn gắn bó với doanh nghiệp mà có xu hướng làm việc theo mùa vụ.

Do vậy, để ổn định lao động trong dài hạn, tạo động lực để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất thì từ lâu nay công ty đã phải tính chuyện xây dựng nhà ở cho công nhân.

Hiện tại, phần đất xây dựng đã được bàn giao lại cho doanh nghiệp và theo kế hoạch thì cuối năm 2011, dự án xây dựng khu nhà ở công nhân đầu tiên sẽ được công ty triển khai. Khu nhà ở này sẽ có đầy đủ các khu chức năng như nhà ăn, phòng sinh hoạt tập thể, thư viện…

Nhiều doanh nghiệp đã làm nhà cho công nhân ở  như May Phong Phú, Việt Tiến, Đáp Cầu, Hưng Yên… Hơn nữa, một số doanh nghiệp còn có xe ôtô đưa rước công nhân từ nhà đến nơi làm việc như Hanoisimex, Hatexco...

Hơn nữa, điều kiện làm việc của công nhân lao động trong các doanh nghiệp dệt may của tập đoàn là khá tốt, tất cả các xưởng sản xuất đều có  hệ  thống điều  hòa không khí, nhà vệ sinh sạch sẽ, môi trường làm việc thân thiện với môi trường.

Lãnh đạo Vinatex cho biết thêm, Tập đoàn đang xây dựng thang bảng lương cơ bản  phù hợp với ngành dệt may để khi người lao động nghỉ hưu được hưởng mức trả bảo hiểm xã hội đủ sống và không bị thua thiệt so với người lao động ở một số ngành nghề khác.

Với những cách làm trên, ngành dệt may Việt Nam tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu toàn ngành năm 2012 là 15 tỷ USD, tăng 10%-12% so với thành tích ấn tượng của năm 2011./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục