Giải mã 5 câu hỏi về “ngày thứ Hai đen tối” của chứng khoán toàn cầu

Tiếp nối đà giảm mấy ngày qua trước những lo ngại về sự bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc, tất cả các thị trường chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt lao dốc trong ngày 24/8.
Giải mã 5 câu hỏi về “ngày thứ Hai đen tối” của chứng khoán toàn cầu ảnh 1Nhà đầu tư theo dõi bảng điện tử chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch ở Tokyo, Nhật Bản ngày 24/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Mạng tin của kênh truyền hình BFMTV của Pháp ngày 24/8, tiếp nối đà giảm trên thị trường chứng khoán thế giới mấy ngày qua trước những lo ngại về sự bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc, tất cả các thị trường chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt lao dốc trong ngày 24/8.

Các thị trường chứng khoán châu Á đóng cửa giảm mạnh, với chỉ số chứng khoán tại Thượng Hải giảm 8,5%, chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa giảm 5,35%, xuống dưới 4.400 điểm. Các thị trường chứng khoán châu Âu khác cũng đều giảm mạnh, với ít nhất là 4%.

Cơn bão trên thị trường chứng khoán bắt đầu từ kinh tế vĩ mô, và cụ thể hơn là từ những quan ngại về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Nguyên nhân từ đâu?

Những hoài nghi về đà tăng trưởng của Trung Quốc là “tâm chấn của trận động đất.”

Theo ​giáo sư Claude Meyer tại Đại học Sciences Po, tổng hợp các chỉ số xấu phản ánh một sự suy giảm đáng kể trong nền kinh tế Trung Quốc như sụt giảm xuất nhập khẩu, đầu tư, tiêu dùng… Điều này cho thấy mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc đã không đạt được.

Trong nhiều năm nay, Bắc Kinh đang cố gắng thay đổi định hướng kinh tế từ ưu tiên tăng trưởng GDP dựa vào xuất khẩu và đầu tư sang ưu tiên cho tiêu dùng và dịch vụ. Những lo ngại này đã gây ra làn sóng giảm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc khiến chỉ số chứng khoán nước này giảm gần 40% kể từ tháng 6.

Sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc càng gia tăng sau khi Bắc Kinh liên tiếp điều chỉnh hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) đầu tháng này.

Ông Guillaume Tresca, chuyên gia chiến lược đối với các thị trường mới nổi của Ngân hàng Credit Agricole CIB, đánh giá quyết định này của Bắc Kinh đặt ra những câu hỏi xung quanh mô hình kinh tế của các nước mới nổi vì các nước này cũng từng đạt được mức tăng trưởng rất cao thời kỳ trước sự kiện Lehman Brothers (châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008).

Ngoài ra, một mối quan tâm khác của các nhà đầu tư là viễn cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất, gây nhiều rủi ro cho các khoản vay bằng USD. Sự khủng hoảng niềm tin này cũng tác động tiêu cực tới các chỉ số chứng khoán Mỹ và châu Âu.

Kịch bản 2008 có tái diễn?

Có thể nói tình hình hiện nay hoàn toàn khác với cuộc khủng hoảng năm 2008. Trước hết, cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán lần này xuất phát từ các nước mới nổi. Trường hợp năm 2008 bắt nguồn từ sự sụp đổ của một ngân hàng có tính hệ thống, có nghĩa là sự sụp đổ của Lehman Brothers (Mỹ) đe dọa toàn bộ hệ thống kinh tế.

Hơn nữa, độ lớn của các cuộc khủng hoảng này cũng rất khác nhau. Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã tạo tiền đề cho sự đổ vỡ dây chuyền. Cho đến thời điểm này, tình hình chưa nghiêm trọng như năm 2008.

Đe dọa sự phục hồi kinh tế?

Chuyên gia kinh tế Christophe Blot của tổ chức nghiên cứu kinh tế OFCE cho rằng rất khó để đưa ra kết luận rõ ràng về hậu quả của "trận động đất" nói trên. Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán hiện nay chỉ là trong ngắn hạn, nếu các chỉ số tiếp tục sụt mạnh trong cả tuần thì tác động sẽ lớn hơn.

Bên cạnh đó, cần phải đánh giá tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và các nước mới nổi, nhất là sau đó liệu có xảy ra làn sóng mất lòng tin ở cả các nước phát triển hay không? Ngoài ra, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán còn đi kèm với các hiệu ứng khác trên thị trường nguyên liệu đầu vào như dầu mỏ…

Do đó, hiện là quá sớm để biết liệu cơn cơn bão chứng khoán này có làm suy yếu sự phục hồi vốn chậm chạp trong Khu vực đồng euro hay không.

Chính phủ Trung Quốc có thể làm gì?

Như ông Claude Meyer nhấn mạnh cho đến nay, các cơ quan chức năng đã không ngồi yên và thậm chí Trung Quốc đã cho phép quỹ hưu trí sử dụng 30% dự trữ để đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Theo ông Claude Meyer, Trung Quốc vẫn đang cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% bằng cách thực hiện các gói kích thích kinh tế, tăng cường đầu tư, theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng bằng cách hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng nhằm đẩy mạnh tín dụng hoặc hỗ trợ thị trường chứng khoán bằng cách yêu cầu các quỹ đầu tư vào chứng khoán.

Vấn đề là chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi. Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư cá nhân trên thị trường lại đang mắc nợ rất nhiều và nếu đà giảm trên thị trường không được kiểm soát sẽ gây ra hàng loạt vấn đề không chỉ đối với cá nhân các nhà đầu tư này mà nó có thể gây hậu quả nhiều hơn thế, thậm chí đến cả nền kinh tế Trung Quốc.

Tại sao giá vàng không tăng mạnh?

Trong thực tế vàng đóng vai trò như một tài sản an toàn dù không phải lúc nào cũng hiện diện rõ ràng. Vàng cũng đã tăng giá chút ít từ 1.094 USD/ounce đầu tháng này lên 1.165 USD/ounce vào cuối tuần trước.

Ông Benjamin Louvet, Phó Giám đốc điều hành tổ chức Prim'Finance, cho rằng vàng cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng giảm giá đối với tất cả các nguyên liệu đầu vào. Chính vì những nghi ngờ về đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, giá cả của các nguyên vật liệu đầu vào đã giảm, bao gồm cả đồng, kẽm, dầu mỏ và cả vàng.

Tuy vậy, vai trò của vàng như một nơi trú ẩn an toàn có thể sẽ tăng nếu khủng hoảng tiếp tục gia tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục