Giải ngân gói 30.000 tỷ: "Chúng ta đã tự đặt ra một mâu thuẫn"

Theo đại biểu Trần Du Lịch, gói 30.000 tỷ đồng là dành để hỗ trợ cho những người dân có thu nhập thấp có nhà, nhưng hiện vẫn chưa phân định đối tượng nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Giải ngân gói 30.000 tỷ: "Chúng ta đã tự đặt ra một mâu thuẫn" ảnh 1Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch trả lời báo chí. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Vấn đề sử dụng gói 30.000 tỷ đồng cho vay bất động sản sẽ không thể giải quyết được hết nếu chúng ta xác định không đúng đối tượng. Đó là quan điểm của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh khi trao đổi với báo chí bên lề cuộc thảo luận ở tổ sáng nay (29/5).

- Thưa ông đến thời điểm này mới giải ngân được 7.000 tỷ đồng trong tổng số 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp mua nhà, và còn 1 năm nữa là hết thời hạn giải ngân rồi, vậy ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Đại biểu Trần Du Lịch: Vấn đề này tôi đã nói từ đầu, tôi không đổ hết trách nhiệm cho ngân hàng hay ông nào cả, gói 30.000 tỷ đồng là chúng ta muốn dành để hỗ trợ cho những người dân có thu nhập thấp có nhà, nhưng tôi nói rõ và thống nhất chính sách nhà ở phải như thế này: Chúng ta cố gắng cho mọi người dân có nhà ở chứ đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta cố gắng để mọi người dân sở hữu được nhà ở, hai việc khác nhau.

Những nước giàu có, người dân cũng không ai sở hữu nhà ở đâu, nếu nghèo thì nhà nước có nhà cho thuê giá rẻ, việc phát triển quỹ nhà ở xã hội cho các đối tượng công nhân... mới là quan trọng, chứ còn đi phát triển việc bán nhà thương mại sẽ khó.

Tôi lấy ví dụ những người thuộc diện nghèo đô thị hoặc cận nghèo đô thị làm sao có thu nhập để mua nhà và nếu kéo dài thời gian vay trong điều kiện ở Việt Nam thì ngân hàng thương mại nào có thể thực hiện nổi trong khi quỹ phát triển nhà ở không hình thành. Thành ra, đối tượng ngay từ đầu khi chúng ta bàn đã không hiện thực rồi.

Vấn đề thứ hai, khi giao cho ngân hàng thương mại cho vay thì ngân hàng phải tính rủi ro, chúng ta đã cãi nhau là bây giờ thu nhập bao nhiêu? Chúng ta nói phải trên 9 triệu đồng, mà ở mức này thì thu nhập lại không phải đối tượng nghèo, hoặc cận nghèo, trong khi dưới 9 triệu đồng thì lấy tiền đâu mà trả nợ cho ngân hàng để có thể mua nhà.

Như vậy chúng ta đã tự đặt ra một mâu thuẫn, thành ra vấn đề là chúng ta phải xem lại đối tượng. Quan điểm của tôi là gói này phải hỗ trợ phân khúc thị trường là những người thu nhập thấp và thu nhập trung bình chưa có nhà ở, tức là khả năng thu nhập của anh có thể thành tháng mà anh có thể thanh toán được và anh chứng minh thanh toán được điều này cho các tổ chức tín dụng và ưu tiên đó sẽ kích phân khúc thị trường này lên.

Khi kích được như vậy thì những nhà đầu tư bất động sản sẽ hướng tới xây dựng những phân khúc sát với thực tế hơn, điều này đang thực hiện rất tốt ở các tỉnh như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, họ đã xác định đúng đối tượng nên xây dựng xong sẽ bán chạy như tôm tươi.

- Nhưng có ý kiến cho rằng cần phải điều chỉnh lại cách xác định thu nhập làm căn cứ mua nhà xã hội.

Đại biểu Trần Du Lịch: Vấn đề là phải sửa lại cái méo mó thị trường, cả một thời gian dài các nhà đầu tư chỉ xây dựng căn hộ chung cư cao cấp, thoát ly toàn bộ sức mua thị trường và nó bị méo mó. Tôi đã từng nói việc phát triển nhà ở Việt Nam nhất là các đô thị lớn giống như chiếc máy bay chỉ làm ghế hạng C, hạng thương gia mà không có ghế phổ thông và khi điều chỉnh lại thì thị trường của Việt Nam nhất là phân khúc này không đóng băng.

Tôi nói rằng thị trường Hà Nội căn hộ cỡ 1 tỷ đồng hoặc các tỉnh thành khác thì khoảng 700 triệu đồng/căn sẽ hấp dẫn và không bao giờ đóng băng hết, nhưng tất cả mọi người không phải ai cũng mua những căn hộ này mà thu nhập của họ trong 10-15 năm họ có thể trang trải được và gói này cần hướng tới cái đó.

Nói nôm na, cần điều chỉnh đối tượng của gói nếu không với đối tượng như hiện nay thì đừng trách ai, hết tự nó đã nghẽn rồi.

Đất nước chúng ta hiện nay thì lấy căn cứ nào để chứng minh thu nhập, bây giờ nói đến chuẩn nghèo thì khó đạt rồi, nghèo thì cái để ăn cũng không có thì làm sao mua được nhà.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, chuẩn nghèo là người có thu nhập dưới 16 triệu đồng/năm thì một tháng thu nhập hơn chỉ khoảng 1,4 triệu đồng thì làm sao có thể mua được nhà, những người đó chỉ có thể thuê nhà xã hội mà thôi, thành ra nếu chúng ta cứ đặt mức như vậy thì sẽ không khả thi.

Nếu Bộ Xây dựng mà quy định như vậy thì Ngân hàng cũng phải tính chuyện của họ chứ, thử hỏi bây giờ thu nhập không ổn định, bấp bênh, làm thuê, làm mướn, lương đôi ba triệu một tháng mà đòi ngân hàng cho vay mua nhà thì chắc chắn ngân hàng không dám.

- Vậy ngân hàng cũng đang rất vướng trong việc giải ngân phải không ông?

Đại biểu Trần Du Lịch: Đương nhiên các ngân hàng sẽ phải tính đến rủi ro, vì sợ cho vay khó đòi. Tức là là đối tượng của mình không rõ, không đúng thì làm sao thực hiện được.

Xin cảm ơn ông./.

Theo quy định của Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ thì đến ngày 1/6/2016, thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng sẽ hết. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã có 15 Ngân hàng thương mại tham gia thực hiện và nhu cầu vay lớn, nhưng giá trị giải ngân chỉ mới đạt hơn 20%.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục