Giải thưởng Oscars: Lý do gì cho trò đùa rẻ tiền về người châu Á?

Nỗ lực xoa dịu sự bất bình về việc vắng bóng các diễn viên gốc Phi của người dẫn chương trình Chris Rock và ban tổ chức lễ trao giải Oscar lại dẫn đến một trò đùa nhạt nhẽo về người gốc Á.
Giải thưởng Oscars: Lý do gì cho trò đùa rẻ tiền về người châu Á? ảnh 1Ba cô cậu bé người gốc Á mà Chris Rock giới thiệu là những kế toán viên từ PwC. (Nguồn: hollywoodreporter.com)

Lễ trao giải Oscars lần thứ 88 năm nay lại một lần nữa nhận được nhiều chỉ trích khi các diễn viên nhận được đề cử không có ai là người da màu.

Mặc dù người dẫn chương trình Chris Rock và ban tổ chức đã cố gắng hết sức để đưa ra một thông điệp sắc sảo về sự đa dạng màu da tại Oscar, nhưng nỗ lực xoa dịu sự bất bình về việc vắng bóng các diễn viên gốc Phi lại dẫn đến một trò đùa nhạt nhẽo về người gốc Á.

Chris Rock đã có một bài phát biểu rất thú vị với những luận điểm thông minh và hài hước để lôi kéo sự chú ý của người nghe tới những gì mà người Mỹ gốc Phi đã trải qua trong quá khứ cũng như hiện tại, và chỉ ra sự khác biệt về cơ hội giữa những diễn viên da màu và diễn viên da trắng. Tuy nhiên, sau đó, anh lại đưa ra một trò đùa khác được nhận xét là mang tính phân biệt chủng tộc.

Trên sân khấu xuất hiện ba cô cậu bé người gốc Á mà Chris Rock giới thiệu là những kế toán viên từ PricewaterhouseCoopers (PwC), cơ quan chịu trách nhiệm kiểm phiếu kết quả tại Oscar. Tách khỏi ngữ cảnh, sự bông đùa này khá tẻ nhạt.

Sau ít nhất 150 năm người châu Á nhập cư vào Mỹ, Oscar năm nay vẫn đùa giỡn về họ bằng hình mẫu “tận tụy, chính xác và chăm chỉ." Mặc dù khán giả trong nhà hát Dolby vẫn bật cười, nhưng ở bên ngoài, những người khác lại không thấy buồn cười chút nào. “Đùa cợt tẻ nhạt về người châu Á rồi lên mặt dạy đời về đa dạng chủng tộc sao?” diễn viên Jeffrey Wright viết trên Twitter.

Những tranh cãi về việc Oscars ưu tiên cho các diễn viên da trắng thường xoay quanh việc những diễn viên da màu có tài không được đề cử. Trên thực tế, đa dạng chủng tộc có nghĩa là mọi màu da đều được đối xử công bằng​.

Ban tổ chức Oscars hiểu rõ điều này qua việc mời các diễn viên Priyanka Chopra, Benicio Del Toro, Lee Byung-hun, Olivia Munn, Dev Patel và Sofia Vergara tới dự lễ trao giải. Vậy thì tại sao lại bày ra một trò đùa dễ gây mất lòng như vậy? ​

Xét cho cùng, những trò đùa về người châu Á ở Oscars thường được cho là ngớ ngẩn, ngờ nghệch. Nhưng chúng cho thấy một thực tế nghiêm túc: người châu Á vẫn là những kẻ đứng ngoài nền văn hóa đại chúng ở Mỹ (chỉ có gần 5% thành viên ban giám khảo Oscars là người châu Á).

Trong một đêm mà Hollywood thức trắng, người Mỹ có lẽ đã “ngủ quên” với vấn đề này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục