Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ: Nhiều trường đại học không mặn mà

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, sau 25 năm, giải thưởng Tài năng khoa học trẻ vẫn chưa thực sự thành công khi số lượng các trường đại học, cao đẳng tham gia chưa nhiều.
Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ: Nhiều trường đại học không mặn mà ảnh 1Các học sinh nhận giải Tài năng khoa học trẻ 2014. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Lễ trao giải thưởng Tài năng khoa học trẻ dành cho sinh viên, giảng viên các trường đại học đã diễn ra trang trọng sáng nay, ngày 15/1, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chương trình vinh danh gần 400 sinh viên, giảng viên với 195 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 74 đề tài của 102 giảng viên và 121 đề tài của 326 sinh viên.

Giải thưởng dành cho giảng viên có 5 đề tài của 5 tác giả đoạt giải nhất, 11 đề tài của 13 tác giả đoạt giải nhì, 33 đề tài của 41 tác giả đoạt giải ba và 31 đề tài của 43 tác giả đoạt giải khuyến khích.

Giải thưởng dành cho sinh viên có 11 đề tài do 38 sinh viên thực hiện đoạt giải nhất. Giải nhì được trao cho 32 đề tài của 98 sinh viên. Giải ba có 78 đề tài của 190 sinh viên. 

Đây là những đề tài xuất sắc nhất được tuyển chọn từ các trường đại học để gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thi. Theo ban tổ chức, việc chọn đề tài dự thi dựa trên quy mô của các trường, cứ 3.000 sinh viên chính quy được gửi một đề tài. Với những trường được khen thưởng về công tác nghiên cứu khoa học năm 2013 thì cứ 2.000 sinh viên được gửi một đề tài. Với mỗi giải nhất cuộc thi Tài năng khoa học trẻ năm 2013, trường được gửi thêm một đề tài.

Tổng số đề tài tham gia tranh giải là 293 đề tài của sinh viên đến từ 81 trường và 107 công trình nghiên cứu của các giảng viên thuộc 32 trường đại học trên cả nước.

Các đề tài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nông nghiệp, y tế, kinh tế đến văn hóa, xã hội, là kết quả của cả quá trình tìm tòi, nghiên cứu nghiêm túc của các giảng viên, sinh viên, trong đó có nhiều đề tài có ý nghĩa xã hội lớn nếu được phát triển để ứng dụng trong thực tế. Tiêu biểu có thể đến đề tài chế tạo thuốc chữa bỏng hoàn toàn mới của sinh viên Lê Thu Hương, trường Đại học Y dược, Đại học Huế; đề tài chế tạo máy pha dịch lọc tự động dùng cho máy thận nhân tạo của tiến sỹ Đỗ Duy Hải, giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội; đề tài nghiên cứu về đặc điểm tội phạm sử dụng internet để chiếm dụng tài sản của nhóm sinh viên đến từ Học viện Cảnh sát… 

Đây là năm thứ 25 giải thưởng dành cho sinh viên nghiên cứu khoa học được tổ chức và là năm thứ 2 “sân chơi” khoa học này mở rộng sang cho cả các giảng viên trẻ. Theo tiến sỹ Đỗ Duy Hải, cuộc thi đã góp phần động viên, khích lệ hơn nữa phong trào nghiên cứu khoa học trong các nhà trường đồng thời làm cho các giảng viên phải thay đổi cách giảng dạy theo hướng bớt lý thuyết, tăng tính ứng dụng và thực hành, nghiên cứu.

Đánh giá cao ý nghĩa của cuộc thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng việc nghiên cứu khoa học đã trang bị cho sinh viên tư duy logic, hiện đại, cách giải quyết khoa học các vấn đề đặt ra trong cuộc sống. 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, “sân chơi” này vẫn chưa thực sự thành công khi số lượng các trường đại học, cao đẳng tham gia vẫn chưa nhiều. Cụ thể, chỉ có 81 trường gửi các đề tài của sinh viên và 32 trường gửi đề tài của giảng viên trên tổng số hơn 400 trường đại học, cao đẳng của cả nước. Điều này cho thấy có sự hạn chế trong việc nghiên cứu khoa học của các trường, trong đó lý do khách quan là thiếu điều kiện cơ sở vật chất, kinh tế và kinh nghiệm, nhưng cũng có cả lý do chủ quan là các trường chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

Với thực trạng đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thêm nhiều giải pháp để thúc đẩy hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học trong các nhà trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục