Giảm nhập siêu nhờ thặng dư thương mại với Hoa Kỳ

Với mức xuất siêu "khủng" ước đạt 20 tỷ USD, thị trường Hoa Kỳ góp phần quan trọng vào việc cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam trong năm 2013.

Trong những năm gần đây, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ liên tục tăng. Năm 2010, mức xuất siêu của Việt Nam sang thị trường này vượt mốc 10 tỷ USD, đến năm 2012 là 14,8 tỷ USD và dự kiến cả năm 2013 có thể đạt 20 tỷ USD.

Theo ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, lượng xuất siêu mạnh sang thị trường Hoa Kỳ đã đóng góp quan trọng vào việc cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.

Bên lề Hội nghị Tham tán Thương mại 2013, ông Đào Trần Nhân đã có cuộc trao đổi với Vietnam+ về những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trong các quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ.

- Thưa ông, năm 2013 sắp khép lại với thành tích nổi bật về kim ngạch xuất nhập khẩu, dự kiến đạt 133 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2012 và nhập siêu ước 500 triệu USD. Tuy nhiên, trong mối quan hệ hợp tác kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức, vậy ông đánh giá thế nào về các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hoa Kỳ?

Với vị trí và vai trò là nền kinh tế số một của thế giới với GDP hàng năm đạt trên 15 nghìn tỷ USD, Hoa Kỳ luôn là thị trường lớn và đầy tiềm năng cho các hoạt động hợp tác phát triển thương mại và công nghiệp với các nước trên thế giới.

Mới đây Việt Nam và Hoa Kỳ đã nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện. Theo đó, hợp tác giữa hai nước sẽ bao gồm tất cả các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học-công nghệ và quốc phòng-an ninh.

Đối với việc phát triển lĩnh vực thương mại và công nghiệp, hai nước có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển đầu tư, xuất nhập khẩu hai chiều. Trong đó, Việt Nam và Hoa Kỳ đã cam kết cùng các nước thành viên kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) theo lộ trình đã đề ra.

Việc tham gia TPP sẽ góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, thúc đẩy các hoạt động đầu tư từ Hoa Kỳ và quan hệ thương mại hai nước. Các doanh nghiệp hai nước có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế.

Bên cạnh khuôn khổ TPP, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ trên nhiều diễn đàn khác nhau, trong đó có các cơ chế của ASEAN, hợp tác Tiểu vùng Mê Công, hội nghị cấp cao Đông Á và APEC...

Đến nay, quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển nhanh chóng. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng gấp 54 lần trong 18 năm. Tổng vốn đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam tính đến cuối tháng 5/2013 đạt 10,5 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Mỗi năm, Hoa Kỳ nhập khẩu vào khoảng 2,2 ngàn tỷ USD (năm 2012, kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ đạt 2,25 ngàn tỷ USD); xuất khẩu đạt khoảng 1,3 ngàn tỷ USD (Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ đạt 1,35 tỷ USD).

Với nhu cầu nhập khẩu lớn và thị trường khá ổn định, Hoa Kỳ luôn là thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ có vị trí ổn định trên thị trường Hoa Kỳ như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông thủy sản.

- Tuy nhiên, với hàng loạt các vụ kiện chống bán phá giá trong năm qua, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có gặp trở ngại gì nhiều trong các năm sắp tới không thưa ông?

Có thể thấy, Hoa Kỳ là thị trường lớn và đa dạng, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và còn nhiều tiềm năng để ta có thể khai thác nhưng lại có hệ thống luật pháp rất chặt chẽ và phức tạp, chịu nhiều ảnh hưởng của các nhóm lợi ích và mang đặc trưng của ảnh hưởng chính trị. Vì vậy, thương mại với Hoa Kỳ không phải là thương mại thông thường mà là thương mại chính trị.

Thời gian gần đây, trong quan hệ thương mại giữa hai nước thường xuyên phát sinh các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và các đợt rà soát hành chính đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, một mảng công tác lớn của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ là phải đương đầu với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, hỗ trợ pháp lý, giải quyết ách tắc cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Mặc dù vậy, phía Việt Nam đã giải quyết tốt và thắng kiện nhiều vụ quan trọng, Đơn cử như việc đấu tranh thành công trong Quyết định sơ bộ Vụ rà soát hành chính lần 7 đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam, đạt được mức thuế thấp nhất so với các đợt rà soát hành chính trước đây, tạo điểm khởi đầu rất thuận lợi cho việc đưa ra quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Hoa Kỳ vào đầu năm 2013.

Hơn thế nữa, với đợt rà soát hành chính lần thứ 8 vào năm 2013, qua đấu tranh của ta, phía Mỹ đã buộc phải tiếp tục dùng Bangladesh là nước thay thế để tính thuế chống bán phá giá cho mặt hàng này. Đây lại thêm là một thành công, tạo thuận lợi cho đợt rà soát hành chính lần thứ 8.

Ngoài ra, ta cũng thắng lợi hoàn toàn trong Vụ kiện ống thép hàn các bon, Hội đồng Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) đã ra phán quyết Việt Nam không bán phá giá và không trợ cấp đối với sản phẩm này và hủy bỏ hoàn toàn vụ kiện... Cũng như vụ kiện tôm buộc phía Mỹ hủy bỏ quyết định; áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Đứng trước một thị trường lớn như vậy, Thương vụ Việt Nam vẫn thực hiện chức năng là cầu nối cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước, thực hiện việc nghiên cứu chính sách thị trường, các chính sách và luật lệ mới liên quan đến hàng xuất khẩu của Việt Nam để phát triển thị trường...

- Vậy theo ông, ngay trong năm 2014 tới, các doanh nghiệp cần lưu ý điều gì?

Tôi cho rằng, Luật về hiện đại hóa về vệ sinh an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ là vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần lưu tâm nhất. Mặc dù chúng tôi đã cảnh báo từ cách đây 2 năm, nhưng giờ phía bạn đã đưa thêm một số quy định mới như: Quy định về thực hành sản xuất tốt, phòng trừ sâu bệnh ngay từ khâu sản xuất, công nhận các đơn vị kiểm dịch của bên thứ ba...

Ngoài ra, các doanh nghiệp chúng ta vẫn phải chú ý tới việc tăng số lượng xuất khẩu đột biến, bởi dấu hiệu tăng số liệu xuất khẩu đột biến sẽ liên quan đến chống bán phá giá, đây thường được coi là cơ sở để tiến hành điều tra.

Về giá, các doanh nghiệp phải thực hiện điều tiết giá chung chứ không nên cạnh tranh lẫn nhau. Thực tế giữa các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có hiện tượng hạ giá xuống.

Trong năm 2014, mặc dù có nhiều cơ hội và thách thức của thị trường xuất khẩu Việt Nam nhưng thị trường Hoa Kỳ tiếp tục sẽ là thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam. Theo chúng tôi ước tính, chúng ta có thể duy trì được kim ngạch tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ dự tính khoảng 10% trong năm 2014.

Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục