Giảm nhẹ rủi ro thảm họa - Điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững

Việt Nam khuyến khích sự tham gia, huy động nguồn lực của doanh nghiệp và cộng đồng, kết hợp với nguồn lực của Nhà nước trong hoạt động phòng và giảm thiểu ro thiên tai.
Giảm nhẹ rủi ro thảm họa - Điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững ảnh 1Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng ảnh hưởng rõ nét lên đời sống của người dân. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Chiều 2/6, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Cơ quan giảm nhẹ rủi ro thảm họa của Liên hợp quốc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội thảo giới thiệu Khung hành động Sendai và Báo cáo đánh giá toàn cầu năm 2015 về giảm nhẹ rủi ro thảm họa.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam Bakhodir Burkhanov cho biết tháng 3/2015, tại Hội nghị thế giới lần thứ 3 về giảm nhẹ rủi ro thảm họa, được tổ chức tại Sendai (Nhật Bản), các nước thành viên Liên hợp quốc được trông đợi sẽ thông qua một khung pháp lý mới sẽ hướng dẫn các nước trong nỗ lực hướng tới giảm bớt những tổn thất do thảm họa gây ra trong tương lai.

Ông Bakhodir Burkhanov nhấn mạnh Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực vào các chương trình nghị sự về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng như về phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới. Hoạt động đó góp phần tăng cường hiểu biết, phối hợp giữa các quốc gia thành viên với nhau trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Việt Nam cũng có những hoạt động tăng cường tính hiệu quả của công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở cấp độ quốc gia cũng như tăng cường phối hợp về rủi ro thiên tai ở cấp độ toàn cầu. Những nội dung này đã được tích hợp vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2015-2030.

“Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tích cực trong chương trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đưa ra những chỉ tiêu cụ thể về lĩnh vực này,” ông Bakhodir Burkhanov mong muốn.

Chia sẻ một số ưu tiên của Việt Nam trong việc thực hiện Khung Sendai về giảm rủi ro thiên tai, ông Đặng Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai và Trung tâm giảm nhẹ thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết Việt Nam đã và đang xây dựng, hoàn thiện các thể chế quốc gia, khuyến khích sự tham gia, huy động nguồn lực của doanh nghiệp và cộng đồng, kết hợp với nguồn lực của Nhà nước trong hoạt động phòng và giảm thiểu ro thiên tai.

Các đơn vị tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, đánh giá, dự báo, cảnh báo thiên tai, việc ra quyết định của hệ thống cơ quan quản lý các cấp, sự chủ động ứng phó của người dân, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của phụ nữ, trẻ em...

Việt Nam cũng tăng cường hợp tác khu vực, liên khu vực và toàn cầu nhằm nâng cao năng lực của quốc gia, tăng cường các nỗ lực chung nhằm ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo với Chính phủ, giao, chỉ định cơ quan đầu mối làm việc với các bộ, ngành liên quan nhằm thực hiện Khung Sendai, tăng cường chia sẻ, thúc đẩy việc tích hợp các cam kết trong quá trình xây dựng chiến lược, chương trình hành động...

Việt Nam cũng phối hợp với UNDP thông qua các diễn đàn quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu để tham vấn, lấy ý kiến đóng góp cho việc thực hiện các hành động và mục tiêu ưu tiên tại Việt Nam.

Giới thiệu Báo cáo đánh giá toàn cầu năm 2015 về giảm nhẹ rủi ro thảm họa, ông Andrew Maskrey, Cơ quan giảm nhẹ rủi ro thảm họa của Liên hợp quốc, tác giả của báo cáo, nhấn mạnh năm 2015 là năm có ý nghĩa then chốt của sự phát triển, đặt ra chương trình nghị sự cho việc tiếp cận và xử lý giảm nhẹ rủi ro thảm họa, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu trong những năm tiếp theo.

Báo cáo cho biết trên toàn cầu, thiệt hại trung bình hàng năm từ các trận động đất, sóng thần, lốc xoáy nhiệt đới và lũ lụt trên sông ước tính lên đến 314 tỷ USD nếu chỉ tính riêng với môi trường xây dựng. Con số này sẽ cao hơn nếu tính đến các hiểm họa khác như hạn hán, thiệt hại cho các ngành khác như nông nghiệp.

Nếu rủi ro này không được giảm bớt, thiệt hại dự kiến trong tương lai sẽ trở thành một chi phí hết sức quan trọng cho hoạt động phát triển. Đặc biệt ở các nước, rủi ro thảm họa chiếm một tỷ lệ lớn trong đầu tư cơ bản và chi phí xã hội, thì năng lực phát triển trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong tình huống này, thật khó thực hiện phát triển ổn định, chứ đừng nói đến phát triển bền vững. Do đó, đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thảm họa và quản lý hiệu quả các rủi ro thảm họa, là điều kiện tiên quyết để phát triển một cách bền vững trong điều kiện khí hậu đang biến đổi. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục