Gian nan "gieo chữ, trồng người" trên vùng đất "Sa Pa Quảng Nam"

Về với xã vùng biên Ch’Ơm, nơi mệnh danh là “Sa Pa của Quảng Nam” vì quanh năm khí hậu se lạnh, chúng tôi mới thực sự hiểu được sự vất vả của những thầy cô giáo nơi đây.
Gian nan "gieo chữ, trồng người" trên vùng đất "Sa Pa Quảng Nam" ảnh 1Ngôi trường đơn sơ nơi vùng cao. (Ảnh: Đỗ Trưởng/Vietnam+)

Nằm ở khu vực biên giới giáp với Lào, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Ch’Ơm, thuộc huyện Tây Giang có những thầy, cô giáo trẻ đa phần ở độ tuổi đôi mươi đang vượt qua nhiều khó khăn để đem tri thức đến với các em học sinh ở các bản làng vùng cao.

Đi từ trung tâm huyện Tây Giang nên xã biên giới Ch’Ơm, chúng tôi tình cờ gặp cô giáo Trần Thị Ái, 24 tuổi, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Ch’Ơm đang trở lại trường sau khi vừa kết thúc khóa tập huấn chuyên môn dưới trung tâm huyện.

Trên chuyến hành trình về với xã vùng biên Ch’Ơm, nơi được mệnh danh là “Sa Pa của Quảng Nam” vì quanh năm khí hậu se lạnh, chúng tôi mới thực sự hiểu được sự vất vả đi lại khó khăn của những thầy cô giáo nơi đây.

Từ trung tâm huyện đi lên xã Ch’Ơm phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ chạy xe máy vì thời tiết những ngày này thường có sương mù dày đặc làm hạn chế tầm nhìn cộng với đường đi có nhiều đoạn dốc trơn trượt.

Cô giáo Trần Thị Ái cho biết, những ngày trời mưa, các thầy cô giáo nếu muốn xuống dưới xuôi đều phải mang theo một chiếc dây xích bọc vào bánh sau của xe máy mới có thể vượt qua được những đoạn đường dốc toàn bùn lầy.

Chính vì đường xá đi lại khó khăn nên nhiều thầy cô giáo trẻ nhà ở dưới xuôi như cô Trần Thị Ái dù đã công tác ở trên đây được 4 năm nhưng vẫn chưa một lần dẫn người thân lên thăm trường mà chỉ hẹn gặp ở dưới trung tâm huyện.

Băng qua những đoạn đường quanh co, uốn lượn, dưới những tán rừng nguyên sinh cuối cùng chúng tôi cũng đến được Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Ch’Ơm.

Gian nan "gieo chữ, trồng người" trên vùng đất "Sa Pa Quảng Nam" ảnh 2Lớp học vùng cao. (Ảnh: Đỗ Trưởng/Vietnam+)

Ngôi trường này được xây dựng kiên cố 2 tầng từ năm 2013 trên một mảnh đất bằng phẳng ngay trung tâm xã; gồm 22 lớp học, hai khu ở bán trú của học sinh và giáo viên.

Nhà trường có 32 cán bộ, giáo viên trong đó đa phần là những giáo viên có tuổi đời còn rất trẻ ở dưới đồng bằng lên đây công tác. Điểm chung nhất của các thầy cô giáo trẻ nơi đây chính là lòng yêu nghề, yêu mảnh đất vùng biên Ch’Ơm.

Thầy giáo Đỗ Đông Vũ, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Ch’Ơm cho biết, các thầy cô giáo trẻ khi lên đây công tác thực sự là những “chiến sỹ trẻ” trên mặt trận giáo dục.

Có người vừa mới ra trường, có người chuyển công tác từ xã khác tới nhưng các thầy cô đều hòa nhập nhanh với công việc cũng như văn hóa phong tục của đồng bào.

Với sức trẻ và sự sáng tạo của mình nhiều thầy cô đã áp dụng những phương pháp dạy học mới giúp các em học sinh có thể dễ dàng tiếp thu được kiến thức. Nhiều thầy cô giáo còn không ngừng tự học để có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Cơ tu với bà con người địa phương.

Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Ch’Ơm hiện có gần 340 em học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Cơ tu. Các em học sinh ở đây đi học rất vất vả có em nhà ở xa phải đi bộ đến 4 km đường rừng để tới trường. Nếu có tiết học buổi chiều, các em phải mang theo đèn pin để soi đường về nhà vào buổi tối.

Khó khăn là vậy nhưng các em học sinh ở Ch’Ơm luôn đi học đều và chăm chỉ học tập. Ngoài điểm trường chính ở trung tâm xã, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Ch’Ơm còn có 4 điểm trường thôn. Lên xã Ch’Ơm được 4 năm, cô giáo Đỗ Thị Trang, 26 tuổi, vẫn còn nhớ những ngày đầu bỡ ngỡ một mình chạy xe máy từ huyện Thăng Bình lên tận vùng biên để dạy học.

Lúc đó, cô giáo Trang được phân công giảng dạy tại một điểm trường thôn, cơ sở vật chất lớp học ở thôn còn nhiều thiếu thốn nên các thầy cô phải ở nhờ trong nhà người dân.

Đồng bào Cơ tu ở vùng cao nơi đây rất yêu cái chữ nên mặc dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng bà con luôn sẵn sàng sẻ chia với thầy cô từng bó rau rừng, từng hạt muối ở trong nhà mình. Chính tình cảm đó là động lực quan trọng để nhiều thầy cô giáo trẻ gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi mảnh đất vùng biên này.

Ở ngôi trường vùng cao này không chỉ có những thầy cô giáo dưới xuôi mà còn có nhiều thầy cô trẻ là người địa phương. Thầy giáo Pơ loong Đíp sống ở thôn Atu1 được xem là người con ưu tú của đồng bào Cơ tu nơi đây. Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy giáo Pơ loong Đíp tạm gác lại ước mơ học tiếp lên cao học mà quyết định trở về gắn bó với việc dạy chữ cho con em bản làng của mình.

Thầy giáo Pơ loong Đíp cho biết, chỉ có cái chữ mới giúp cuộc sống của đồng bào vùng biên mình đổi thay được. Khi có con chữ bà con mình mới xóa bỏ được các hủ tục, tiếp thu được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và xây dựng cuộc sống văn hóa mới.

Hiểu được ý nghĩa của việc học, thầy giáo Pơ loong Đíp còn đứng ra thành lập quỹ “Những người con của bản” để hỗ trợ những suất học bổng nhỏ khuyến khích các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong xã vươn lên trong học tập.

Xã vùng biên Ch’Ơm hiện đang dẫn đầu phong trào hiếu học của huyện miền núi Tây Giang, những năm gần đây xã luôn có học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Một lớp thế hệ con em đồng bào Cơ tu trên mảnh đất vùng biên với tri thức mới được chắp cánh từ những điểm trường vùng cao đang là một nguồn lực quan trọng để mảnh đất này vươn lên phát triển trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục