Giang Trang: Ẩn mình, để khởi lộ "vùng trời khác" trong cõi Trịnh

Sau ba năm “nghiên cứu” nhạc Trịnh, Giang Trang khiến người nghe “giật mình” về tiếng hát an nhiên, tĩnh tại cùng cách thể hiện đầy khác lạ khi trở lại với sản phẩm “Hạ Huyền 2” mới đây tại Hà Nội.
Giang Trang: Ẩn mình, để khởi lộ "vùng trời khác" trong cõi Trịnh ảnh 1Nữ ca sỹ Giang Trang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Từ một người hát Trịnh thầm lặng, vào mỗi đêm ở quán Nhạc Tranh - khoảng ký ức một thời của những người trẻ yêu nhạc Trịnh ở Hà Nội nhiều năm trước, Giang Trang dần lộ diện và được thừa nhận như một âm sắc lấp lánh hy vọng trong cõi Trịnh khi lần đầu  cho ra hai sản phẩm trong cùng một năm (2011) - “Lênh đênh nhớ phố” và “Hạ Huyền.”

Giữa những khen chê, Giang Trang thu giọng hát của mình lại, lựa chọn chìm khuất để “nghiên cứu” nhạc Trịnh (chữ dùng của Giang Trang-PV), mong tìm đến sự an nhiên và bao dung trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Trên tinh thần đào sâu, và tự chứng nghiệm để thấu cảm ý nghĩa về ca từ trong các sáng tác của Trịnh Công Sơn.

Cũng sau ba năm “nghiên cứu” đó,  Giang Trang khiến người nghe “giật mình” trước tiếng hát an nhiên, tĩnh tại, đầy trải nghiệm cùng sự thể hiện khác lạ khi trở lại với sản phẩm “Hạ Huyền 2” mới đây tại Hà Nội.

Gồm 12 ca khúc vốn đã quen thuộc và một số bài hát trong tập “ca khúc da vàng” mới được cấp phép tại Việt Nam, “Hạ Huyền 2” len lỏi trong cảm nhận của người nghe về một vùng trời khác của nhạc Trịnh - bình thản hơn, không buồn, không vui mà âm thầm nâng niu cái đẹp mong manh vốn dĩ thường trong đời sống.

Nói như vậy, bởi trước nay, đại chúng vẫn định kiến nhạc Trịnh mang tinh thần tuyệt vọng, u uẩn hơn là bao dung, an nhiên rạng ngời trong âm nhạc của ông.

Và qua cách hát như tự sự nhưng nhuốm màu trải nghiệm của Giang Trang ở thời điểm hiện tại, “Hạ Huyền 2” đã lấp lánh được bóng nắng hy vọng đó.

“Hạ Huyền 2” còn cho thấy sự tài hoa của nhạc sỹ Thanh Phương trong những sáng tạo đầy lạ lẫm trong cách hòa âm phối khí với đàn tranh hợp tấu cùng guitar, piano và sáo.

Trong không gian âm nhạc đó, giọng hát không trội lên, cũng không song hành, mà như bị giấu đi, gợi lên những cảm giác nhẹ nhõm, trọn vẹn, u hoài nhưng không u uẩn, vẫn da diết nhưng bớt đi sự lẩn khuất, hiu quạnh.

Tiếng hát chìm đi, nhưng chính sự mộc mạc, trìu mến với đời sống lại được bay lên, tự tại như sợi chỉ mảnh mai liên kết các loại nhạc cụ.

Tiếng hát chìm đi, lại càng làm sống lại một cách rõ nét ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhẹ nhõm và văn minh hơn. Người nghe như được dẫn dắt vào cuộc trò chuyện, với những lời thủ thỉ, từ đó chiêm nghiệm trên sóng nhạc.

Với cách hát này, “Hạ Huyền 2” gieo tới cảm nhận bớt đi sự não nề, ủy mị như định kiến của số đông về nhạc Trịnh, thay vì đó lắng đọng, và nghe được lâu hơn.

Giang Trang: Ẩn mình, để khởi lộ "vùng trời khác" trong cõi Trịnh ảnh 2Danh sách ca khúc trong album "Hạ Huyền 2" của Giang Trang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tiếng sáo tình cảm, đàn tranh dìu dặt, guitar và piano có chút gì hơi lạnh lạnh phối với nhau thành tổng thể hòa âm tinh tế, đậm màu sắc acoustic.

Giang Trang từng nói, không có “Hạ Huyền” thì không có Giang Trang như chính chị mong muốn. Giang Trang chọn nhạc Trịnh Công Sơn như mối duyên trời định, từ đó nuôi dưỡng đời sống tinh thần, thúc giục chị tìm kiếm những người bạn âm nhạc như Thanh Phương (phối khí, guitar), Thư Hương (sáo), Vân Mai (đàn tranh), Trọng Kiều (piano) để tìm thấy “vùng trời khác” của cõi Trịnh.

Lắng nghe thật lâu nhưng ca khúc vốn đã quen thuộc như  “Ru em từng ngón xuân nồng,” “Tôi ơi đừng tuyệt vọng,” “Rừng xưa đã khép”… sẽ thấy tất cả đã được khoác chiếc áo mới, nhưng vẫn giữ được hồn cốt an nhiên và tinh khiết của âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Sự kết hợp giữa đàn tranh và piano trong “Gọi tên bốn mùa,” “Nhìn những mùa đi,” “Bên đời hiu quạnh,” mang đến những thử nghiệm đẹp và lạ. Giọng hát mộc, thản nhiên, đôi khi bảng lảng như khói của Giang Trang, vừa ngậm ngùi, xa vắng, lại vừa nhẹ nhõm, an nhiên bên tiếng sáo trong vắt, tình cảm.

Tuy nhiên , ở những ca khúc như “Ngẫu nhiên,” “Người mẹ Ô Lý,” gợi cảm giác như tách khỏi tổng thể album, cách chọn cung bậc giọng hát và sự phối hợp với các nhạc cụ vẫn lộ rõ chất giọng mảnh, thiếu đầy đặn của người hát ở những nốt trầm.

Hay vẫn còn đó một chút nuối tiếc, giá như ở những ca khúc mới được cấp phép trong tập “Ca khúc da vàng” như “Chờ nhìn quê hương sáng chói” Giang Trang mạnh dạn “giải phóng” những e dè, thoải mái hoan ca về phần nhạc điệu, có lẽ những thể nghiệm sẽ còn “bừng thức” và sáng chói hơn nữa.

Dẫu không nhận mình là nghệ sỹ, càng không là người hát nhạc Trịnh Công Sơn xuất sắc, nhưng Giang Trang khi tự nói về mình - chỉ hát lên như sự mách bảo của định mệnh thực sự khiến những đôi tai nghe Trịnh lâu nay sẽ đôi chút “giật mình.”

Giang Trang: Ẩn mình, để khởi lộ "vùng trời khác" trong cõi Trịnh ảnh 3Giang Trang nói về tiếng hát của mình giống với sự mách bảo của bản năng chơn là kỹ thuật, cảm xúc... (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trạng thái đó khiến người viết bài liên tưởng tới hình ảnh đầy ngạc nhiên, thẫn thờ trong những ca từ “ô nắng lên rồi” của Trịnh Công Sơn như hình dung về tiếng hát Giang Trang thời điểm hiện tại.

Ngoài vượt lên trên sự hài lòng của chính người hát, và tưởng nhớ ngày Trịnh rời xa cõi tạm (1/4), “Hạ Huyền 2” còn là thể nghiệm Trịnh ca đương đại xứng đáng được đến với đại chúng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục