"Giáo dục đạo đức phải trở thành vấn đề quan trọng"

UNESCO khẳng định vai trò quan trọng của việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức trên toàn cầu.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 15/5, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã khẳng định vai trò quan trọng của việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức ở tất cả các khu vực trên toàn cầu.

UNESCO đã thúc đẩy việc thành lập Hiệp hội quốc tế về đạo đức trong giáo dục (IAEE) từ năm 2011 nhằm khuyến khích các nước trên thế giới đưa giáo dục đạo đức trở thành vấn đề học thuật nghiêm túc và quan trọng để đáp ứng những thách thức về tiến bộ khoa học trên toàn cầu.

Giám đốc về Đạo đức trong khoa học công nghệ của UNESCO Henk ten Have nhấn mạnh giáo dục đạo đức đã thách thức các quan hệ hợp tác quốc tế trong bối cảnh mạng Internet trở thành nguồn cung cấp thông tin quan trọng và là nơi chia sẻ kinh nghiệm và các ý tưởng.

Tuy nhiên, hầu hết những thông tin này đều chịu sự chi phối của các nước phát triển và thế giới chưa có diễn đàn trao đổi thông tin và kinh nghiệm về giáo dục đạo đức quy mô toàn cầu.

Nhu cầu tăng cường giáo dục đạo đức tăng nhanh cùng với tiến bộ khoa học công nghệ và UNESCO đã phát động chương trình giáo dục đạo đức trên toàn cầu từ năm 2004.

UNESCO nhấn mạnh, Hội nghị đầu tiên của IAEE vừa kết thúc tại thành phố Pittsburg của Mỹ đã tập hợp các nhà giáo dục đạo đức từ 33 nước ở nhiều khu vực khác nhau của thế giới để đa dạng hóa những ý tưởng mới cũng như tạo những động lực mới về giáo dục đạo đức trên toàn cầu, đồng thời khuyến khích đường lối học thuật trong tiếp cận giáo dục đạo đức.

IAEE sẽ thúc đẩy tăng cường giáo dục đạo đức trên toàn cầu thông qua việc phát triển website toàn cầu về giáo dục đạo đức, đồng thời kết nối với website của UNESCO để các nhà giáo dục đạo đức trên thế giới chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng mới cũng như khai thác các nguồn dữ liệu như Giáo trình cơ bản về đạo đức sinh học… từ cơ quan giám sát đạo đức toàn cầu của UNESCO (GEObs)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục