Giáo sư Trần Văn Khê và “Những chọn lựa quan trọng trong cuộc đời tôi”

Trong lần tái bản này, cuốn tự truyện của giáo sư Trần Văn Khê được bổ sung những trang viết cuối đời của ông - “Những chọn lựa quan trọng trong cuộc đời tôi.”
Giáo sư Trần Văn Khê và “Những chọn lựa quan trọng trong cuộc đời tôi” ảnh 1Các nghệ sỹ tặng hoa chúc mừng giáo sư Trần Văn Khê tròn 90 tuổi. (Ảnh: TTXVN)

Tròn một tháng sau ngày cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam - giáo sư Trần Văn Khê qua đời, công chúng sẽ được gặp lại hình ảnh của ông qua “Tự truyện giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Khê: Trí Huệ để lại cho đời.”

Cuốn sách ra mắt bạn đọc lần đầu tiên vào tháng 7/2010 với tên gọi “Tự truyện Trần Văn Khê - Những câu chuyện từ trái tim.” Kể từ đó, tập sách đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt với gần 15.000 bản.

Đại diện Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt-First News, đơn vị phát hành cuốn sách cho biết, trong lần tái bản này, nhan đề tập sách được đổi thành “Tự truyện giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Khê: Trí Huệ để lại cho đời” nhằm khẳng định tầm vóc tài năng, sức ảnh hưởng khó ai có thể thay thế của con người tài hoa, đức độ này.

Di sản mà ông để lại không chỉ có “trí” (với khối lượng kiến thức, tài liệu nghiên cứu khổng lồ về âm nhạc và văn hóa truyền thống Việt Nam) mà còn là “huệ” - một nhân cách lớn, một trái tim rộng mở.

Đặc biệt, ở lần tái bản này, cuốn tự truyện được bổ sung những trang viết cuối đời của giáo sư - “Những chọn lựa quan trọng trong cuộc đời tôi.” Ở đó, ông kể về 11 chọn lựa mang tính quyết định của cuộc đời mình.

[Giáo sư Trần Văn Khê: Người trọn đời vì âm nhạc truyền thống Việt]

“Trong đời sống, mỗi một con người đều có hoàn cảnh sinh hoạt khác nhau, công việc khác nhau và tính cách khác nhau, do đó đường đời của mỗi người không phải ai cũng như ai. Người có ý chí hoặc can đảm thì có thể tự quyết định lấy cuộc đời mình, đi theo đam mê và vun trồng cho tương lai, cho đời sống của mình theo như những gì mình mong muốn. Người rụt rè buông xuôi thì phó mặc cho số phận hoặc trò may rủi. Quan trọng nhất là phải biết chọn lựa cho bản thân những gì cần thiết để đi tới mục đích cuối cùng mà mình đang hướng đến” (trích “Tự truyện giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Khê: Trí Huệ để lại cho đời”).

Những câu chuyện được kể trong đó là những ký ức của người “phụng sự âm nhạc truyền thống Việt Nam đến hơi thở cuối cùng” về thuở ấu thơ sớm tại làng Vĩnh Kim (quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho - nay là tỉnh Tiền Giang) đến tuổi thanh niên ấp ủ bao hoài bão, khát vọng.

Đó còn là những trải nghiệm sâu sắc, sinh động từ chuyến rời xa Tổ quốc đầu tiên vào năm 1949 đến hành trình trải khắp năm châu để giới thiệu âm nhạc và văn hóa truyền thống Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Không chỉ có vậy, độc giả sẽ còn gặp ở đó những suy nghĩ rất đời về “hỷ, nộ, ái, ố,” tinh thần lạc quan, say mê làm việc dẫu đang chống chọi với nhiều căn bệnh của vị giáo sư đáng kính.

Giáo sư Trần Văn Khê và “Những chọn lựa quan trọng trong cuộc đời tôi” ảnh 2Hình ảnh bìa cuốn sách. (Ảnh: First News)

“Những câu chuyện ghi lại trong quyển sách này chỉ để minh họa những lời tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ, để các bạn có thể tìm được và nhận thức rõ hạnh phúc trong cuộc sống, qua những kinh nghiệm của bản thân. Tôi tin rằng, ai cũng có thể thành công nếu có ý chí,” cố giáo sư Trần Văn Khê chia sẻ lúc sinh thời.

Giáo sư Trần Văn Khê (24/7/1921-24/6/2015) là người có công giới thiệu nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam (ca trù, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ…) đến với thế giới.

Năm 1958, ông là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sỹ ngành âm nhạc học tại Pháp với luận án “Âm nhạc truyền thống Việt Nam.”

 

“Tự truyện giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Khê: Trí Huệ để lại cho đời” do Nhà xuất bản Thông tấn và Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt-First News phát hành./.

“Với âm nhạc dân tộc, với nền kịch nghệ Việt Nam, nhất là ca kịch sân khấu, tôi nghĩ giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Khê như một cuốn từ điển. Từ tư liệu lịch sử, câu chuyện và giai thoại về nghề-nghiệp-người cho đến hệ thống mang tính từ chương của mỗi loại hình nghệ thuật, cấu trúc nghệ thuật lẫn kỹ thuật trong sáng tác, biểu diễn, thưởng lãm đều được ông lưu giữ, hệ thống và xâu chuỗi một cách khoa học, kết nối và có tính thuyết phục cao.

Tùy vào cấp độ, nhu cầu tìm hiểu mà bạn sẽ được ‘từ điển sống’ ấy giải mã, cung cấp trữ lượng thông tin và sức hút trong diễn đạt, truyền tải của ông là một nghệ thuật. Ông là một ‘quái kiệt’ ở khía cạnh này,” (nghệ sỹ nhân dân Bạch Tuyết nhớ về giáo sư Trần Văn Khê).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục