Giao thông kết nối Cảng hàng không Long Thành được đầu tư ra sao?

Các trục đường hướng tới Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được nghiên cứu, đề xuất nhằm đảm bảo tính kết nối đồng bộ và lâu dài, đáp ứng nhu cầu phát triển khi sân bay này đưa vào khai thác.
Phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV)
Phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV)

Sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thông qua đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã tính toán đến hệ thống giao thông kết nối hoàn chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, điểm trung chuyển hàng không của cả nước và thế giới.

Nhiều tuyến đường hướng tới sân bay

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có đề xuất phương án giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư, khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Việc giao ACV làm nhà đầu tư, khai thác sân bay Long Thành được phía Bộ Giao thông Vận tải đánh giá sẽ không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA.

Hơn nữa, theo phương án tài chính, nếu được giao là nhà đầu tư, khai thác, hàng năm ACV sẽ có thêm nguồn thu từ 2.390-4.780 tỷ đồng (tương đương 100-200 triệu USD) để nộp ngân sách Nhà nước hoặc tích lũy đầu tư phát triển các cảng hàng không như Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Điện Biên, Nà Sản, Lai Châu... phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

[Cảng hàng không Long Thành được đầu tư theo phương án nào?]

Trong quá trình nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu kỹ thuật, Tư vấn đã đề xuất phương án kết nối với mạng giao thông khu vực hiện có theo 3 tuyến chính đường bộ.

Cụ thể, tuyến số 1 (dài 3,8km) kết nối trục chính Cảng (đầu phía Tây) với Quốc lộ 51 có quy mô mặt cắt ngang gồm 10 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành, bề rộng thay đổi từ 85-120m.

Tuyến số 2 (dài 3,5km) kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, quy mô mặt cắt ngang gồm 4 làn xe theo 2 nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Tuyến số 3 (dài 8,5km) kết nối trục chính Cảng (đầu phía Đông) với đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, quy mô mặt cắt ngang gồm 8 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành, bề rộng 85-115m.

Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư phân kỳ tuyến số 1 nối Cảng với Quốc lộ 51, với quy mô 6 làn xe; tuyến số 2 nối Cảng với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành, với quy mô 4 làn xe. Các tuyến còn lại sẽ được xem xét đầu tư theo các giai đoạn đầu tư tiếp theo của dự án.

Với các tuyến đường sắt kết nối Cảng hàng không Long Thành cũng được tính toán bao gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-Cảng hàng không Long Thành được thiết kế chạy vào đường trục trung tâm Cảng và bố trí một nhà ga đường sắt tốc độ cao và 2 nhà ga đường sắt nhẹ kết nối thuận lợi với các nhà ga hành khách của Cảng Long Thành.

Đầu tư mở rộng đường cho từng giai đoạn

Ngoài ra, để đảm bảo tính kết nối, đồng bộ lâu dài, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải và các đơn vị tư vấn trong nước cập nhật dự báo nhu cầu giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tới Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhu cầu giao thông từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến Long Thành để đề xuất phương án nghiên cứu cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cũng như tiến trình đầu tư hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt để đáp ứng sự phát triển của Cảng hàng không Long Thành từng giai đoạn.

Theo đó, mạng lưới giao thông các tỉnh, thành trong khu vực sẽ có những trục dọc chính như các tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Bến Lức-Long Thành, Biên Hòa-Vũng Tàu, Quốc lộ 51… và những nhánh “xương cá” đường tỉnh nội bộ nhằm hỗ trợ hoàn chỉnh tính liên kết giữa Cảng hàng không Long Thành với liên kết vùng.

Giao thông kết nối Cảng hàng không Long Thành được đầu tư ra sao? ảnh 1Đoạn Vành đai II đến Quốc lộ 51 đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Các tuyến giao thông kết nối khu vực Cảng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các địa phương huy động nguồn lực để đầu tư đảm bảo đồng bộ với từng giai đoạn khai thác của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

[Chủ tịch ACV: Chuẩn bị sẵn 1,5 tỷ USD làm sân bay Long Thành]

Cụ thể, đến năm 2025 (giai đoạn 1 của Cảng hàng không Long Thành, công suất 25 triệu khách/năm) sẽ mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành từ 4 lên 8 làn xe theo quy hoạch hiện hữu; hoàn thiện tuyến Đường tỉnh 25C từ nút giao Quốc lộ 51 tới vị trí kết nối được với cao tốc Bến Lức-Long Thành.

Đến năm 2030 (giai đoạn 2 của Cảng hàng không Long Thành, công suất 50 triệu khách/năm sẽ xây dựng đường vành đai 3 đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch quy mô 4 làn xe; xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu quy mô 4 làn xe; xây dựng cầu Cát Lái và đường dẫn đầu cầu kéo dài tới Đường tỉnh 25C quy mô 8 làn xe.

Đến năm 2040 (khi công suất của Cảng hàng không Long Thành đạt 75 triệu khách/năm), hệ thống giao thông phải được đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang; xây dựng đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-Long Thành; xây dựng đường vành đai 4 quy mô 6-8 làn xe; xây dựng đường liên vùng 4 (nút giao Gò Công-Quốc lộ 20) quy mô 4 làn xe.

Đến năm 2050 (Giai đoạn 2 của Cảng hàng không Long Thành, công suất 100 triệu khách/năm), cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng tuyến kết nối đi riêng giữa Cảng Long Thành với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh và Cảng hàng không Tân Sơn Nhất quy mô 4 làn xe; mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây quy mô 10-12 làn xe; mở rộng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành quy mô 6 làn xe; mở rộng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu quy mô 6-8 làn xe./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục