Giao tranh ác liệt trước Ngày Độc lập ở Nam Sudan, 150 người chết

150 binh sỹ thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở Nam Sudan giữa 2 lực lượng ủng hộ Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar.
Giao tranh ác liệt trước Ngày Độc lập ở Nam Sudan, 150 người chết ảnh 1Lực lượng binh sỹ Nam Sudan. (Nguồn: AP)

Ngày 9/7 đánh dấu ngày Độc lập lần thứ 5 của đất nước Nam Sudan non trẻ nhất thế giới. Bầu không khí ở thủ đô Juba trở nên căng thẳng với sự hiện diện dày đặc của các lực lượng an ninh, ít người dân đổ ra đường sau khi xảy ra cuộc giao tranh ác liệt một ngày trước đó ở gần Dinh Tổng thống giữa các binh sỹ trung thành với Tổng thống Salva Kiir và các binh sỹ ủng hộ Phó Tổng thống Riek Machar, gây thương vong lớn cho cả hai bên.

Người phát ngôn của Phó Tổng thống Machar, Roman Nyarji cho biết số binh sỹ thiệt mạng của cả hai bên là hơn 150 người và có thể còn tiếp tục gia tăng.

Vụ việc xảy ra khi Tổng thống Kiir và Phó Tổng thống Machar đang chuẩn bị có bài phát biểu trước truyền thông tại Dinh Tổng thống nhân kỷ niệm ngày Độc lập. Cuộc giao tranh kéo dài khoảng nửa giờ đồng hồ và nhanh chóng leo thang sau khi binh sỹ hai bên dùng tới các loại vũ khí hạng nặng. Người ta nghe thấy cả tiếng súng máy và pháo binh ở một vài nơi ở thủ đô Juba trước khi giao tranh chấm dứt.

Vụ bạo lực này đã làm lung lay thỏa thuận ngừng bắn mong manh được hai bên ký kết tháng 8/2015, nhưng cho đến nay vẫn chưa chấm dứt được cuộc nội chiến kéo dài từ tháng 12/2013.

Tháng 12/2013, Tổng thống Kiir cáo buộc cấp phó của mình âm mưu đảo chính, điều mà ông Machar đã bác bỏ. Một vòng xoáy bạo lực đẫm máu bùng phát. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong hơn hai năm nội chiến tại Nam Sudan, trong khi gần 3 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa và gần 5 triệu người đang phải sống nhờ viện trợ lương thực khẩn cấp.

Thỏa thuận hòa bình đã được ký kết tháng 8/2015, mở đường cho việc thành lập chính phủ chuyển tiếp nhằm chấm dứt nội chiến. Nhưng đến tháng 4 vừa qua, ông Machar mới trở về thủ đô để thành lập chính phủ đoàn kết, trong đó ông được khôi phục chức danh Phó Tổng thống thứ nhất. Tuy nhiên, tiến trình hòa bình đã bị đình trệ vì các nhân vật cứng rắn ở cả hai phe đều không nhất trí với giải pháp đã thỏa thuận và giao tranh vẫn tiếp diễn.

Bên cạnh đó, quốc gia non trẻ này đang phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế khi đồng nội tệ mất giá và lạm phát vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Ngành công nghiệp dầu mỏ - trụ cột chính của nền kinh tế Nam Sudan - đã sụp đổ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục