“Gió bay về ngàn”: Khi âm nhạc được làm bởi sự “lãng mạn văn hóa”

Được đầu tư không chỉ lên đến tiền tỷ mà còn là chất xám và tâm huyết của giới sáng tạo, làm nhạc khiến album “Gió bay về ngàn” chạm tới đẳng cấp về cả hình lẫn tiếng.
“Gió bay về ngàn”: Khi âm nhạc được làm bởi sự “lãng mạn văn hóa” ảnh 1'Họa mi Tây Nguyên' trở lại phòng thu trong dự án 'gió bay về ngàn' cùng nhạc sỹ Lưu Hà An (Ảnh: Giang Huy)

“Gió bay về ngàn” ​- đĩa nhạc được xem là album để đời về âm nhạc Tây Nguyên khi hợp tuyển 12 ca khúc do 4 giọng hát còn lại của Tây Nguyên thu âm theo tiêu chuẩn chất lượng hi-end vừa chính thức ra mắt ngày 22/8.

Ai thì khi cầm trên tay và nghe đĩa nhạc này đều cảm nhận điều đặc biệt gây xúc động, dù là một dự án âm nhạc nghệ thuật phi lợi nhuận, được bảo trợ bởi nhãn hàng nhưng “Gió bay về ngàn” không có dấu hiệu phải thỏa hiệp hay bị “nạo vét” bởi yếu tố thương mại.

Trái lại, âm nhạc được tôn trọng một cách tuyệt đối, nguyên liệu từ sáng tác đến hòa âm là sự giao thoa, đồng điệu giữa cái cũ và mới, truyền thống và đương đại. Việc tái hiện bản sắc văn hóa Tây Nguyên một cách lãng mạn và duy mỹ trong phần hình ảnh của đĩa này cũng vô cùng xuất sắc. Chính vì được đầu tư không chỉ lên đến tiền tỷ mà còn là chất xám và tâm huyết của giới sáng tạo, làm nhạc khiến “Gió bay về ngàn” chạm tới đẳng cấp về cả hình lẫn tiếng.

Nói về âm nhạc của đĩa này, phải thú thật rằng, khi giá trị thanh nhạc càng thiên về cảm thụ về tinh thần thì càng khó để diễn tả thành lời. Ngoài quy trình thu âm theo chất lượng hi-end (ca sỹ sẽ thu live với ban nhạc và thu thanh riêng) để đem lại hiệu ứng âm thanh chân thực và mộc mạc nhất, “Gió bay về ngàn” còn gây ấn tượng về sự tinh tế và tươi mới trong hòa âm phối khí của bộ ba ăn ý Thanh Phương- Lưu Hà An- Minh Đạo.

“Gió bay về ngàn”: Khi âm nhạc được làm bởi sự “lãng mạn văn hóa” ảnh 2Nhạc sỹ Thanh Phương trong quá trình thực hiện 'Gió bay về ngàn.' . (Ảnh: Giang Huy)

Âm nhạc mộc mạc với dàn nhạc biên chế đơn giản để tinh thần Tây Nguyên trở nên đậm đặc. Cũng thêm phần lý giải, Thanh Phương với tiếng đàn trong trẻo và lãng mạn, cộng thêm hai cộng sự ăn ý nhiều năm qua vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu làm nên những concept album có giá trị ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, dưới bàn tay biên tập của nhạc sỹ Nguyễn Cường và Giáng Son, “Gió bay về ngàn” cũng là hợp tuyển gồm 12 sáng tác về Tây Nguyên vừa vặn, thú vị, như lạ như quen.

Có thể thấy, trên thành cũ đã quen thuộc như “Đôi chân trần” “Lời ru Mặt Trời” của Y Phôn K’sor, “Thênh thênh Oh ơi,” “Nghiêng nghiêng rừng chiều,” “Cho tình yêu bay lên bồng bềnh,” “Và ta lại thấy”… của nhạc sỹ Nguyễn Cường, “Giấc mơ Chapi" của Trần Tiến… thì “Gió bay về ngàn” được phủ hơi thở đương đại nhờ sự góp mặt của hai sáng tác mới là “Mùa nhớ” của Giáng Son và “Voi không đuôi” của Lê Minh Sơn.

Là sáng tác mới nhưng phong vị Tây Nguyên ở hai ca khúc này không kém phần đặc sắc. Trước cái bóng đại thụ về âm nhạc Tây Nguyên như Nguyễn Cường, Trần Tiến nhưng cả Giáng Son và Lê Minh Sơn vẫn có những len lỏi và bứt phá, ghi tạc được dấu ấn tinh tế.

Nếu “Voi không đuôi” được xem là phiên bản “À í a” về Tây Nguyên lần nữa khẳng định biệt tài của Lê Minh Sơn dù viết về đề tài xã hội vẫn trữ tình, da diết thì “Mùa nhớ” tiếp tục là một giãi bày tình yêu ăm ắp bản năng tính nữ nhưng không kém phần mãnh liệt trong nhạc Giáng Son.

“Gió bay về ngàn”: Khi âm nhạc được làm bởi sự “lãng mạn văn hóa” ảnh 3Mai Trang trong quá trình thu âm 'Mùa nhớ' cùng nhạc sỹ phối khí Minh Đạo. (Ảnh: Giang Huy)

Tinh hoa giao thoa và hội tụ giữa sáng tác, hòa âm và giọng hát ăm ắp trong nhiều track nhạc. Cá nhân người viết bài ấn tượng với “Voi không đuôi.” Việc đưa âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên đã góp phần tạo không gian mênh mang, kỳ vỹ đại ngàn cho câu hát thật buồn nhưng cũng thật đẹp của Y Jack và tiếng guitar lãng mạn của Thanh Phương.

Nhưng, để thích thì tôi vẫn thích “cuộc bay” của Siu Black và Mai Trang trong “Nghiêng nghiêng rừng chiều.” Cũng theo Giáng Son, lẽ ra, “Gió bay về ngàn” đã để lọt ca khúc này vì cha đẻ của nó là nhạc sỹ Nguyễn Cường… quên mất. Quên chỉ vì nhiều “hit” quá!

Trên bản phối mới tình tứ điệu Bossa Nova, cùng tiếng flute lơi lả, bay bổng tây phương của Lê Thư Hương khiến cuộc "bay về ngàn" của Siu càng khiến người nghe mủi lòng bởi sự nồng nàn, đằm trải, lắng sâu trong tiếng hát “họa mi” sau bão bao nhiêu thì Mai Trang lại đung đưa, nền nẩy nhạc cảm bấy nhiêu bởi âm sắc thênh thênh, mơn man của đại ngàn.

Và phải đến khi được nghe nghệ sỹ Y Zắc hát live “Voi không đuôi” trong căn nhà dài của người Ê Đê dưới trời Buôn Ma Thuột mới hiểu vì sao nhạc sỹ Nguyễn Cường gọi những tiếng hát Tây Nguyên như nghệ sỹ nhân dân Y Moan, Y Zắc, Siu Black… là “báu vật.” Mảnh đất Tây Nguyên không chỉ giúp phát tiết ra giai điệu cuộc sống mà còn ban tặng cho con người nơi đây âm sắc tiếng hát, nhịp điệu bản năng vô cùng tinh tế và tâm hồn nguyên sơ nghệ sỹ.

Sự luân chuyển từng track nhạc khá đẹp, giúp tổng thể đĩa nhạc giống như một đêm trình diễn thực sự. Tin rằng, việc hội tụ bốn giọng ca Tây Nguyên còn sót lại - Siu Black, Y Zắc, Mai Trang, Y Garia chính là cuộc hạnh ngộ đầy thi vị trong cuộc chơi nghệ thuật và cuộc đời chính họ. Bốn giọng hát, hai thế hệ nhưng lại cùng một tâm thế. Họ hát nồng nàn và âm ỉ đến nao lòng, càng nén càng mênh mang, càng giấu càng say men như là lời gọi tìm, hồi hương trong tâm tưởng của những con gió về với đại ngàn nguồn cội.

Thành ra, điều đáng tiếc duy nhất trong đĩa nhạc này là sự góp mặt của tiếng hát “khách mời” Tùng Dương để thể hiện ca khúc mới “Bến Giằng” của nhạc sỹ Nguyễn Cường. Tinh thần hừng hực của ca khúc cùng lối hát to, “trưng trổ” thiếu tinh tế của divo làng nhạc Việt bỗng trở nên thô và “lạc điệu” với tinh thần của concept.

Song xét về tổng thể, như đã nói ở đầu, giữa lúc đời sống âm nhạc ngày càng bão hòa, nghệ sỹ diễn nhiều hơn hát, nói ra rả trên sóng truyền hình hơn là làm nhạc, quá nhiều sản phẩm âm nhạc được làm chóng vánh, cóp nhặt thiếu bản sắc thì “Gió bay về ngàn” là đĩa nhạc được làm với tầm nhìn đầy thiện ý, đầy trách nhiệm và “lãng mạn văn hóa” (chữ của nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdăm).

“Gió bay về ngàn”: Khi âm nhạc được làm bởi sự “lãng mạn văn hóa” ảnh 4Hình ảnh đĩa 'Gió bay về ngàn.' (Ảnh: Giang Huy)

Của quý luôn luôn hiếm, theo nhà sản xuất, “Gió bay về ngàn” chỉ được in với số lượng hạn chế là 5000 đĩa dành tặng bạn yêu nhạc và đồng bào Tây Nguyên. Ai được cầm trên tay, hẳn phải vì một chữ duyên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục