Giới chuyên gia: Đánh thuế sở hữu nhà thứ 2 cần phải có lộ trình

Tại Tọa đàm trực tuyến diễn ra ngày 7/9 tại Hà Nội, hầu hết các chuyên gia kinh tế, bất động sản đều cho rằng việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2 là cần thiết nhưng cần phải có lộ trình áp dụng.
Giới chuyên gia: Đánh thuế sở hữu nhà thứ 2 cần phải có lộ trình ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hai kịch bản từ việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2,” diễn ra ngày 7/9 tại Hà Nội, hầu hết các chuyên gia kinh tế, bất động sản đều cho rằng việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2 là cần thiết nhưng cần phải có lộ trình áp dụng chi tiết và cụ thể.

Thị trường bất động sản Việt Nam hiện chiếm 20% tổng mức đầu tư toàn xã hội và giúp thay đổi bộ mặt đô thị, đáp ứng các phân khúc đối tượng khác nhau trong xã hội. Mới đây, Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản; trong đó, việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên để hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí đang được dư luận quan tâm.

Bộ Tài chính lý giải, dù hiện nay có nhiều khoản thu liên quan đến bất động sản thông qua các chính sách thuế, phí và lệ phí nhưng chưa có thuế tài sản hoặc thuế bất động sản như thông lệ quốc tế. Trong khi ở nhiều quốc gia, thu từ thuế tài sản là nguồn thu chủ yếu của ngân sách.


[Đánh thuế người có nhiều nhà, đất để chống đầu cơ bất động sản?]

Theo ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) thì về lâu dài cần có một đạo luật để thực hiện vấn đề này, bởi đây là tài sản hiện hữu trên địa bàn địa phương, có thể nhìn thấy. “Tôi lấy làm tiếc trong 12 năm qua chưa có đạo luật nào về đánh thuế tài sản bất động sản,” ông Nguyễn Văn Phụng nói. Việc đánh thuế nhà ở thứ 2 hay thứ 3 cần phải có lộ trình thực hiện cụ thể và phải quản lý được.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc thi hành sắc thuế và chống đầu cơ là cần thiết bởi liên quan đến bất động sản là nhà đất của hộ gia đình cá nhân, hiện Nhà nước mới đánh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chứ chưa đánh thuế vào nhà.

Ngoài ra, tại một số quốc gia, thuế bất động sản là một nguồn thu ngân sách và với mức cao hơn Việt Nam nhiều lần, ông Vũ Văn Phấn đưa ra ví dụ như Hàn Quốc thuế bất động sản gấp 3 lần Việt Nam.

Tuy nhiên cũng có ý kiến lo ngại việc đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên sẽ tác động xấu tới thị trường bất động sản. Chưa kể, việc áp dụng sắc thuế này sẽ khiến thị trường bất động sản vừa khởi sắc sẽ trở nên trầm lắng.

Theo giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì việc đánh thuế vào nhà ở thứ hai không hợp lý bởi trong thị trường bất động sản, phần kinh doanh chiếm tỷ trọng rất cao. Nếu phần kinh doanh không có thì lập tức phân khúc nhà ở cho thuê sẽ bị giảm. Đánh thuế vào nhà ở thứ hai là đánh vào phân khúc nhà cho thuê. Khi đánh thuế vào nhà cho thuê thì số lượng người thuê nhà sẽ giảm.

“Thêm nữa, nếu đánh thuế nhà ở thì nên đánh vào giá trị đất, nếu đánh vào giá trị nhà thì sẽ không còn nhà đẹp nữa bởi chả ai dại gì đầu tư xịn để chịu thuế cao hơn,” giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh

Dưới góc độ là đơn vị nghiên cứu và tư vấn thị trường bất động sản toàn cầu, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho biết việc đánh thuế với bất động sản thứ hai cần phải cẩn thận với trường hợp củaViệt Nam.

Ông Matthew Powell phân tích rõ hơn tại Việt Nam thị trường bất động sản đang phát triển lành mạnh, việc giao dịch vẫn ở mức ổn định, chưa phải tăng trưởng quá mạnh. Khi mà áp dụng đánh thuế bất động sản thứ hai thị trường sẽ làm giảm cầu, giảm sức mua cuả nhà đầu tư với thị trường và giảm bong bóng thị trường bất động sản.

Singapore đưa ra chính sách thuế bất động sản thứ hai khi có quá nhiều người nhập cư vào nước này, cầu vượt xa cung. Do đó Chính phủ đưa ra chính sách thuế để cân bằng thị trường. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, cung cầu đang phát triển lành mạnh, nguồn cầu còn chưa ổn, do đó khó có thể áp dụng lý thuyết của các nước khác.

Một góc độ khác, ông Matthew Powell cũng chỉ ra nguồn cầu của người nước ngoài hiện chưa cao, số lượng nhà đầu tư nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chưa nhiều. Do đó, đây là thời điểm cần khuyến khích người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, đặc biệt sau những chính sách mở cửa cho người nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản.

“Chính vì vậy, ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi nghĩ không nên đưa thêm những chính sách mang tính thắt chặt, giảm sự hứng thú của nhà đầu tư nước ngoài với bất động sản Việt Nam,” ông Matthew Powell chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục