Giới chuyên gia kết luận Iran vi phạm nghị quyết Liên hợp quốc

Ủy ban Các chuyên gia về Iran của Liên hợp quốc kết luận vụ thử tên lửa Emad của Iran đã vi phạm điều 9 trong Nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
 
Giới chuyên gia kết luận Iran vi phạm nghị quyết Liên hợp quốc ảnh 1Một vụ thử tên lửa của Iran. (Nguồn: news.wabe.org)

Việc Iran tiến hành vụ thử tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hồi tháng 10 vừa qua đã vi phạm một nghị quyết của Liên hợp quốc về cấm nước này tiến hành các vụ thử loại tên lửa này.

Đây là kết luận của các thành viên Ủy ban Các chuyên gia về Iran của Liên hợp quốc đưa ra trong một báo cáo công bố ngày 15/12.

Trong bản báo cáo, các chuyên gia khẳng định trên cơ sở những phân tích và phát hiện gần đây, ủy ban trên đã kết luận vụ thử tên lửa Emad của Iran đã vi phạm điều 9 trong Nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ủy ban đánh giá Iran đã tiến hành phóng thử tên lửa Emad mang theo đầu đạn có tải trọng ít nhất 1 tấn, có khả năng tấn công các mục tiêu trong phạm vi 1.000 km và sử dụng công nghệ từ các tên lửa đạn đạo.

Theo các chuyên gia, một quả tên lửa có thể mang theo đầu đạn nặng ít nhất 500 kg và có tầm bắn tối thiểu 300km được coi là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Trước đó, Iran hôm 11/10 tuyên bố nước này đã thử thành công tên lửa tầm xa Emad mới được sản xuất trong nước, đồng thời khẳng định đây là loại tên lửa đầu tiên của Iran có thể được dẫn đường trong suốt hành trình bay trước khi chạm mục tiêu.

Mỹ và các đồng minh châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức sau đó đã yêu cầu Ủy ban Các chuyên gia về Iran của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc điều tra vụ thử tên lửa này của Iran, đồng thời cho rằng hành động này vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Liên hợp quốc.

Tehran đã phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời khẳng định tên lửa phóng đi không được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân và nước này không có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân.

Nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an được thông qua ngày 9/6/2010 cấm Tehran tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân và vẫn còn hiệu lực đến khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) đạt được hồi tháng 7 vừa qua được thực thi.

Ngoài ra, chỉ ít ngày sau khi các bên đạt được thỏa thuận lịch sử này, Liên hợp quốc cũng đã thông qua Nghị quyết 2231 quy định Tehran không được có bất kỳ hoạt động nào liên quan tới lĩnh vực tên lửa đạn đạo trong vòng 8 năm.

Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh Hội đồng Bảo an đang cân nhắc khả năng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran, có thể vào tháng 1/2016 tới, một khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận nước Cộng hòa Hồi giáo này đã thực hiên các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi tháng 7 vừa qua.

Trước đó, cũng trong ngày 15/12, Hội đồng điều hành IAEA đã thông qua dự thảo nghị quyết chấm dứt cuộc điều tra kéo dài một thập kỷ về những khía cạnh quân sự trong chương trình hạt nhân của Iran.

Quyết định trên được đưa ra sau khi cơ quan này xem xét bản báo cáo đánh giá cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran được công bố hồi đầu tháng 12, trong đó xác nhận không tìm thấy bằng chứng về việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân sau năm 2009.

Theo thỏa thuận hạt nhân đạt được hôm 14/7, Iran sẽ cắt giảm các hoạt động hạt nhân và chấp nhận những cuộc thanh sát mới để đổi lại việc phương Tây và quốc tế dần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục