Giới lập pháp Mỹ “ngóng chờ” được xem trực tiếp văn bản TPP

Nhiều nghị sỹ Mỹ vẫn đang cân nhắc về khả năng ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho tới khi được xem trực tiếp nội dung thỏa thuận này.
Giới lập pháp Mỹ “ngóng chờ” được xem trực tiếp văn bản TPP ảnh 1Các quốc gia tham gia ký kết TPP. (Nguồn: rri.co.id)

Ngày 4/11, truyền thông Mỹ đưa tin giới nghị sỹ nước này đang "ngóng chờ" để được xem trực tiếp văn bản của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, hiện nhiều nhà lập pháp thuộc cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã bày tỏ sự hoài nghi về khả năng TPP sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm sau.

Khi được hỏi về triển vọng TPP sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua, Thượng nghị sỹ thuộc Đảng Cộng hòa Chuck Grassley thẳng thắn cho rằng "sẽ rất khó khăn, không phải là không thể thông qua, nhưng sẽ rất khó khăn."

Còn Thượng nghị sỹ của Đảng Dân chủ, Maria Cantwell, cũng tán đồng với nhận định này, cho biết: "Năm tới là năm bầu cử, và trong năm bầu cử, khó mà làm bất cứ điều gì có kết cục lớn."

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Ben Cardin nằm trong số các nhà lập pháp chưa cho biết quyết định của mình cho tới khi nào đọc được văn bản của TPP.

Ông giải thích: "Dĩ nhiên phải dựa vào văn bản thỏa thuận đó xem nội dung bao hàm những gì. Phản ứng của phía công đoàn là chống lại TPP trong khi cộng đồng doanh nghiệp lại ủng hộ.”

Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Joni Ernst có cái nhìn lạc quan về những lợi ích từ TPP đối với nông dân ở bang quê nhà của bà.

Bà Ernst cho biết: "Nhìn chung, bang Iowa chúng tôi xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, do đó, TPP là một điều tốt cho Iowa."

Nhưng ngay chính Thượng nghị sỹ này cũng không cam kết là sẽ dành phiếu thuận cho TPP cho tới khi nào bà được nghiên cứu văn bản của hiệp định này.

TPP đã đạt được thỏa thuận cuối cùng của 12 nước thành viên tham gia đàm phán hôm 5/10, trong đó có 4 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Việt Nam, Singapore, Malaysia và Brunei.

TPP sẽ ảnh hưởng đến gần 40% sản lượng kinh tế của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu từ các quốc gia thành viên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục