Giới luật sư phải tăng nhanh cả về lượng và chất

Trong bối cảnh hội nhập, Thủ tướng nói phải tăng nhanh cả về số và chất lượng luật sư nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Trong bối cảnh hội nhập, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng giới luật sư phải tăng nhanh cả về số và chất lượng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Ngày 8/12, tại buổi tọa đàm với đại diện luật sư Việt Nam về “Vai trò của luật sư Việt Nam trong cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế” do Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức, Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp của giới luật sư và mong muốn giới luật sư tiếp tục phát huy truyền thống thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và đất nước.

Thủ tướng dẫn chứng từ năm 2001 đến nay, số lượng luật sư tăng 250% với 5.800 luật sư, đạt gần 15.000 dân/luật sư, trong khi yêu cầu đặt ra rất lớn (Thái Lan đạt 1.600 dân/luật sư, Singapore 1.000 dân/luật sư, Hoa Kỳ 250 dân/luật sư).

Việc giới luật sư tham gia vào công tác xây dựng pháp luật, hệ thống pháp luật sẽ sát với cuộc sống hơn. Trên tinh thần này, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam xây dựng qui chế trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giới luật sư cả nước tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các dự án Luật.

Về ý kiến của luật sư Trần Mỹ Thoa (đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) liên quan đến “rào cản” của luật sư trong hoạt động tranh tụng các vụ án hình sự, Thủ tướng nêu rõ, tất cả các vụ án hình sự khi khởi tố vụ án, các luật sư đều được tham gia vào quá trình điều tra, để có điều kiện bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải… Điều này đã được qui định trong pháp luật.

Theo Thủ tướng, Luật tố tụng hình sự sửa đổi tới đây cần qui định rõ việc luật sư được tham gia ngay trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, trong khi Luật chưa sửa đổi, Liên đoàn luật sư Việt Nam cần phối hợp với Bộ Công an xây dựng qui chế phối hợp để phát huy vai trò luật sư trong tố tụng, đảm bảo công lý và quyền lợi chính đáng của công dân.

Giải đáp câu hỏi của luật sư Trần Thị Hải Yến (Đoàn luật sư Hà Nội) về việc tham vấn giới luật sư của các doanh nghiệp Nhà nước trước khi ký hợp đồng nhằm tránh rủi ro tài sản của Nhà nước, Thủ tướng cho biết, các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước đều phải có bộ phận pháp chế để phục vụ doanh nghiệp tuân thủ theo pháp luật và các hợp đồng phải đảm bảo pháp luật.

Thủ tướng nêu rõ, các doanh nghiệp nhà nước chưa có cán bộ pháp chế phải thuê tư vấn của các công ty luật nhằm vận hàng công ty theo đúng pháp luật. Vấn đề là các luật sư và các công ty luật xây dựng thương hiệu uy tín để các doanh nghiệp thuê tư vấn.

Đề cập tới việc bảo vệ quyền lợi của công dân trong các vụ khiếu kiện hành chính, Thủ tướng cho rằng, qua thực tiễn triển khai Luật khiếu nại tố cáo cho thấy nhiều bất cập, nhất là trong khiếu nại của công dân, do vậy Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Luật khiếu nại riêng, trong đó có khiếu nại hành chính nhằm đảm bảo khiếu kiện hành chính đúng trình tự và công khai minh bạch, đồng thời xây dựng Luật Tố tụng hành chính nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân...

Tại buổi tọa đàm, Thủ tướng đã trao đổi với các luật sư về những nội dung liên quan đến trình độ luật sư Việt Nam trong tranh tụng quốc tế, quản lý hành nghề luật sư, chính sách đối với các luật sư hành nghệ tại vùng sâu, vùng xa...

Thủ tướng nhấn mạnh cần đổi mới giáo trình và phương thức giảng dạy trong công tác đào tạo luật sư, phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam có 20.000 luật sư có trình độ đáp ứng hội nhập của đất nước.

Để đẩy nhanh cả số và chất lượng, Thủ tướng đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp Bộ Tư pháp xây dựng đề án đào tạo luật sư trong và ngoài nước có trình độ, phẩm chất và đạo đức đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Thủ tướng gợi ý Đoàn luật sư các tỉnh cần phối hợp Sở Tư pháp tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng cơ chế trong công tác đào tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục