Giới thiệu bản dịch tác phẩm "Truyện Kiều" sang tiếng Nga

Bản dịch "Truyện Kiều" sẽ không chỉ giúp người Nga hiểu hơn về văn học Việt Nam kinh điển mà cuốn sách này còn có giá trị cho các sinh viên và giảng viên ngành Việt Nam học ở Nga.
Giới thiệu bản dịch tác phẩm "Truyện Kiều" sang tiếng Nga ảnh 1Trưng bày tác phẩm 'Truyện Kiều' tại bảo tàng. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Chiều 25/2, tại Hà Nội, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức giới thiệu bản dịch bằng thơ tự do tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du mang tên “Truyện Kiều song ngữ Nga-Việt.”

Phát biểu tại buổi giới thiệu, cảm ơn tập thể dịch giả đã đóng góp vào sự ra đời cuốn “Truyện Kiều song ngữ Nga-Việt,” đặc biệt là dịch giả Vũ Thế Khôi, Tham tán Sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam Vadim Vladimirovich Bublikov nhấn mạnh bất kỳ người nước ngoài nào học tiếng Việt và nghiên cứu văn học Việt Nam đều biết "Truyện Kiều" là tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam.

Ông Vadim Vladimirovich Bublikov đánh giá cao chất lượng bản dịch, vốn từ tiếng Nga, cách chuyển ngữ tinh tế của dịch giả và hy vọng bản dịch "Truyện Kiều" sẽ không chỉ giúp người Nga hiểu hơn về văn học Việt Nam kinh điển mà cuốn sách này còn có giá trị cho các sinh viên và giảng viên ngành Việt Nam học ở Nga.

Bày tỏ niềm vui lớn và chia sẻ những ấn tượng về bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga của dịch giả Vũ Thế Khôi, phó giáo sư Phạm Vĩnh Cư - người từng giảng dạy về văn học Nga đánh giá bản dịch đã thể hiện khá đầy đủ vẻ đẹp nghệ thuật và tư tưởng của tác phẩm.

Phó giáo sư Phạm Vĩnh Cư hy vọng trong thời gian tới, những cuốn “Truyện Kiều song ngữ Việt-Nga” sẽ đến với bạn đọc Nga, qua đó giới thiệu đến người dân đất nước Nga nền văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Tại buổi giới thiệu, tác giả, các dịch giả, người yêu văn học Việt Nam và Nga đã giao lưu, chia sẻ, phân tích về bản dịch “Truyện Kiều song ngữ Nga-Việt” và đọc minh họa một số trích đoạn trong cuốn sách.

Truyện Kiều song ngữ Nga-Việt” được in bằng tiếng Việt và bản dịch thơ bằng tiếng Nga cùng với các chú thích và minh họa. Sách đã được xuất bản 1.000 cuốn với hình thức trang trọng, đạt chất lượng cao về nội dung.

Đặc biệt, gần 20 bức tranh minh họa của các danh họa Việt Nam như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Tạ Thúc Bình... được chọn in đã góp phần làm tăng vẻ đẹp và giá trị của cuốn sách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục