Giới thiệu Qũy bảo hành tín dụng, đầu tư ASEAN+3

Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo Giới thiệu Quỹ bảo hành tín dụng và đầu tư ASEAN+3 (CGIF) nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp.
Ngày 16/1, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo Giới thiệu Qũy bảo hành tín dụng và đầu tư ASEAN+3 (CGIF) nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước có thêm cơ chế huy động vốn tín dụng thông qua việc phát hành trái phiếu.

Hội thảo là dịp để các cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thông tin về một cơ chế hỗ trợ tín dụng khi có nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, đặc biệt là huy động vốn trên thị trường quốc tế với chi phí huy động vốn hợp lý so với trường hợp được các tổ chức tín dụng bảo lãnh mà không làm tăng mức rủi ro và bất ổn định của ngân sách nhà nước.

Quỹ CGIF, với nguồn góp vốn của chính phủ các nước ASEAN+3 sẽ cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chi cần thiết khi huy động vốn qua phát hành trái phiếu.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Bá Toàn thì việc tham gia vào CGIF sẽ giúp cho các doanh nghiệp có một cơ chế hỗ trợ tín dụng khi có nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, đặc biệt là huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Tổng Giám đốc điều hành Quỹ CGIF Kiyoshi Nishimura đã đưa ra 4 tiêu chuẩn xét bảo lãnh cho các doanh nghiệp như: Doanh nghiệp thuộc trong nhóm nước ASEAN+3; Hồ sơ tín dụng để CGIF chấp thuận xem xét, trong đó dựa vào các chỉ số hoạt động của DN, xếp hạng tín nhiệm đầu tư...; Không thuộc danh sách bị cấm hoạt động như sản xuất vũ khí, đồ uống có cồn, thuốc lá, cờ bạc...; Đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và an toàn xã hội của CGIF.

Qũy sẽ hỗ trợ một số giao dịch như: Giao dịch biên giới; Tổ chức lần đầu phát hành trên thị trường trái phiếu nội địa; Mở rộng kỳ hạn; Miễn trừ hạn mức áp dụng đối với người đi vay duy nhất và Phát hành trái phiếu hướng tới các nhà đầu tư nước ngoài, những người muốn đầu tư tiền tệ.

Tuy nhiên, Quỹ CGIF cũng khống chế mức trần cho một giao dịch bảo lãnh; theo đó, mức trần quốc gia là 140 triệu USD, mức trần theo đồng tiền là 280 triệu USD, với kỳ hạn từ 10 năm trở xuống. Việc phát hành có mệnh giá bằng ngoại tệ sẽ yêu cầu thêm hoạt động bảo hiểm rủi ro thông thường hoặc bảo hiểm rủi ro tài chính.

Tại buổi toạ đàm, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã được tìm hiểu các thông tin về quy trình đăng ký bảo lãnh phát hành trái phiếu từ CGIF và xây dựng được kế hoạch cho doanh nghiệp. Quỹ Bảo lãnh tín dụng đầu tư ASEAN+3 (CGIF) được hình thành theo sáng kiến của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 với mục đích cung cấp các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu trong khu vực./.

Thùy Dương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục