Giới thiệu tiềm năng kinh tế Việt Nam với doanh nghiệp Algeria

Triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam-Algeria rất khả quan, nhiều hàng hóa của Việt Nam đã trở nên quen thuộc tại thị trường Algeria và các sản phẩm của Algeria cũng đã có mặt tại Việt Nam.
Giới thiệu tiềm năng kinh tế Việt Nam với doanh nghiệp Algeria ảnh 1Đại sứ Phạm Quốc Trụ gặp Tỉnh trưởng Oran, Zaafen Abdelghani. (Ảnh: Thanh Bình/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Alger, từ ngày 28 đến 30/11, Đại sứ Việt Nam tại Algeria Phạm Thế Trụ đã có chuyến công tác tới Oran, thành phố lớn thứ hai và ở phía Tây Bắc Algeria, để gặp gỡ đại diện khoảng 30 doanh nghiệp địa phương hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, chế biến nông sản, đầu tư, xây dựng... nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước.

Tại cuộc gặp, Đại sứ Phạm Quốc Trụ đã giới thiệu khái quát những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đồng thời khẳng định chính sách của Việt Nam là mong muốn tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại với tất cả các nước trên thế giới, nhất là với các nước châu Phi trên cơ sở quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi.

Đại sứ cũng nhấn mạnh triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước là rất khả quan. Hiện nhiều hàng hóa của Việt Nam đã trở nên quen thuộc tại thị trường Algeria và các sản phẩm của Algeria cũng đã có mặt tại Việt Nam.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Algeria đạt 235 triệu USD năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 140,23 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2015. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Algeria là càphê, điện thoại di động và linh kiện, các mặt hàng sắt và thép, hạt tiêu...

Việt Nam nhập khẩu từ Algeria các mặt hàng như thức ăn chăn nuôi, sản phẩm tân dược và khoáng sản. Về hợp tác đầu tư, liên doanh dầu khí Bir-Seba giữa Petro Vietnam, Sonatrach (Algeria) và PTT (Thái Lan) đã đi vào khai thác thương mại năm 2015, với sản lượng 18.000 thùng dầu/ngày.

Đại sứ cũng nhấn mạnh đây là biểu tượng cho sự hợp tác thành công giữa Việt Nam và Algeria.

Đại sứ Phạm Quốc Trụ bày tỏ tin tưởng đây là cơ hội để hai bên trao đổi thông tin nhằm hiểu rõ hơn thị trường hai nước, qua đó giúp phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế song phương, đồng thời khẳng định sẽ làm hết sức mình để giúp doanh nghiệp Algeria trao đổi kinh tế và thương mại với đối tác Việt Nam trên cơ sở đôi bên cùng thắng.

Giới thiệu tiềm năng kinh tế Việt Nam với doanh nghiệp Algeria ảnh 2Đại sứ Phạm Quốc Trụ phát biểu tại cuộc gặp với các doanh nghiệp tại Oran. (Ảnh: Thanh Bình/Vietnam+)

Về phần mình, ông Abed Mouad, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Oran, cho biết hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp vốn có giữa hai nước và cần phải tăng cường phát triển hơn nữa để tương xứng với những tiềm năng sẵn có của hai bên.

Ông Mouad khẳng định mong muốn chính trị của hai nước là khuyến khích các doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi kinh tế và thương mại, đầu tư vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh cuộc gặp này là một cơ hội lý tưởng để hai bên trao đổi những thông tin hữu ích và cần thiết để tăng cường quan hệ kinh tế.

Nhân dịp này, Đại sứ Phạm Quốc Trụ cũng đã gặp Tỉnh trưởng Oran, Zaafen Abdelghani. Đại sứ Phạm Quốc Trụ đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa hai nước nói chung và với tỉnh Oran nói riêng nhất là trong các linh vực văn hóa, du lịch, mong muốn chính quyền tỉnh Oran tạo thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm ăn tại đây.

Đại sứ Phạm Quốc Trụ cũng đề xuất chính quyền tỉnh tìm kiếm 1 địa điểm phù hợp để dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Oran và thiết lập quan hệ kết nghĩa với một thành phố của Việt Nam, nhằm góp phần phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Ông Zaafen Abdelghani đồng ý với những đề xuất trên của phía Việt Nam, đồng thời đánh giá cao mối quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Tỉnh trưởng Oran cũng đã giới thiệu những thế mạnh của tỉnh, đồng thời bày tỏ mong muốn các danh nghiệp Việt Nam sang Oran đầu tư và kinh doanh trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ, cơ khí và hóa dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục