Giới thiệu tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam ở các nước châu Âu

Một chương trình giới thiệu bộ sưu tập các trang phục tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam và trình diễn nghệ thuật chầu văn sẽ được thực hiện tại các nước châu Âu vào tháng Chín tới.
Giới thiệu tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam ở các nước châu Âu ảnh 1Công chúng tham quan triển lãm "Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui" tại Hà Nội (Ảnh: TTXVN)

Một chương trình giới thiệu bộ sưu tập các trang phục tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam và trình diễn nghệ thuật chầu văn sẽ được thực hiện tại bốn nước châu Âu (Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan) vào tháng Chín tới đây.

Chương trình do Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Đức và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Mỹ Sơn phối hợp tổ chức.

Đại diện ban tổ chức cho biết, nhiều nghệ nhân, ca công hát văn nổi tiếng sẽ trực tiếp tham gia trình diễn lần này như: nghệ sỹ ưu tú Xuân Ba, ca sỹ Hiểu Phương, Thu Hằng, Hoàng Long, Khắc Tư…

Bộ sưu tập trang phục đạo Mẫu cổ truyền được giới thiệu lần này do nhà thiết kế thời trang Mai Trần thực hiện. Những người trình diễn bộ sưu tập này không phải là người mẫu chuyên nghiệp mà là các thanh đồng; nhằm truyền tải thông điệp, giới thiệu trọn vẹn ý nghĩa, nét đẹp văn hóa trang phục đạo Mẫu Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động nhằm thúc đẩy Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) sớm công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bên cạnh đó, đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Trước đó, vào tháng 3/2014, Việt Nam đã chính thức đệ trình hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” lên UNESCO. Nếu thành công, vào tháng 11/2015 tới, tín ngưỡng này sẽ chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia cho biết, tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Ra đời từ trong cuộc sống đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, cường quyền đè nén và nạn ngoại xâm tàn bạo, tín ngưỡng thờ Mẫu đã có một mối gắn bó rất tự nhiên với người dân lao động,

Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt.

Tín ngưỡng này gắn liền với nhiều hình tượng người phụ nữ là các nhân vật lịch sử hoặc được lịch sử hóa như Thánh mẫu Liễu Hạnh, Quốc mẫu Âu Cơ, Vương Mẫu (tương truyền là người mẹ của Thánh Gióng), Linh Sơn Thánh Mẫu.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục