Gỡ 'nút thắt' trong giải ngân vốn đầu tư công ở tỉnh Cà Mau

Việc triển khai thực hiện một số dự án quan trọng trên địa bàn Cà Mau đang bị chậm tiến độ, gây ảnh hưởng đến công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh.
Gỡ 'nút thắt' trong giải ngân vốn đầu tư công ở tỉnh Cà Mau ảnh 1Trung tâm thành phố Cà Mau. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Cà Mau trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 42,5% kế hoạch, tăng 11,7% so cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế được xem là ''nút thắt'' cần được nhanh chóng tháo gỡ.

Thời gian qua, các chủ đầu tư tại Cà Mau đã tích cực đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án (đối với các dự án chuyển tiếp) và triển khai hoàn thiện trình các bước trình tự thủ tục hồ sơ để sớm khởi công các dự án mới. Dù vậy, việc triển khai thực hiện một số dự án quan trọng trên địa bàn đang bị chậm tiến độ, gây ảnh hưởng đến công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh.

Phải kể đến dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng; dự án nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau; dự án Tuyến đường trục chính Đông-Tây; dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và bến cá Khánh Hội, huyện U Minh; dự án Bến cập tàu bãi nhỏ và đường tuần tra trên đảo Hòn Khoai, huyện Ngọc Hiển…

Ông Trương Đăng Khoa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, cho biết nguyên nhân tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn chưa đạt yêu cầu chung là do một số dự án gặp khăn trong khâu bồi hoàn giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó, việc thực hiện Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng gặp vướng mắc liên quan đến đơn giá nhân công, đơn giá ca máy; định mức công tác xây dựng chuyên ngành, đặc thù dẫn đến khó khăn trong giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

Nguồn vốn nước ngoài (ODA) giải ngân chậm do các khâu thủ tục hồ sơ liên quan đến việc triển khai dự án phải chờ sự chấp thuận hoặc thư không phản đối của các nhà tài trợ và các Ban Quản lý dự án của Trung ương.

Cũng theo ông Trương Đăng Khoa, các dự án khởi công mới năm 2020 phải triển khai các bước thủ tục chuẩn bị thực hiện đầu tư theo quy định nên dự kiến đến quý 2/2020 mới khởi công, sau đó mới có khối lượng hoàn thành và giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí.

Mặt khác, tỷ lệ giải ngân của tỉnh thời gian đầu năm còn thấp là do một số Chương trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Chẳng hạn như các Chương trình mục tiêu quốc gia, Hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ... phải căn cứ hướng dẫn của các cơ quan Trung ương mới được phân khai chi tiết danh mục và kế hoạch vốn.

[Du lịch Cà Mau tạo dựng thương hiệu, hướng tới ngành kinh tế mũi nhọn]

Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19, hạn hán kéo dài trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng một phần đến tiến độ thi công công trình do thiếu hụt nhân công, vận chuyển vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, tổng vốn đầu tư công năm 2020 của tỉnh đã giao đến nay hơn 3.643 tỷ đồng, gồm vốn cân đối ngân sách địa phương hơn 1.984 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 1.659 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn đã giải ngân 6 tháng đầu năm nay chỉ mới đạt khoảng 1.584 tỷ đồng, bằng 42,5% so kế hoạch cả năm.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2020 đã được bố trí, cơ quan chức năng tỉnh đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, một số dự án còn vướng mắc trong khâu bồi hoàn giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư cần chủ động phối hợp với địa phương có dự án đầu tư trên địa bàn và các cơ quan, đơn vị có liên quan để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Riêng đối với các dự án triển khai tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai do hạn hán, sụt lún..., chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ thiết kế, dự toán trình thẩm định phê duyệt; tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công ngay khi điều kiện vận chuyển được thuận lợi.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, các chủ đầu tư phải quán triệt quan điểm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là biện pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay. Ủy ban Nhân dân tỉnh không chấp nhận để xảy ra tình trạng vốn đầu tư công chậm được giải ngân.

Do đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công tác được giao; chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo giải ngân hết vốn đầu tư công trong năm 2020 và nguồn vốn từ năm trước chuyển sang.

Ủy ban Nhân dân tỉnh giao các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra cụ thể từng công trình, từng nguồn vốn, nhất là những nguồn vốn hiện nay còn chậm giải ngân để kịp thời chấn chỉnh; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp làm chậm, vi phạm quy định, gây thất thoát và lãng phí.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh khẩn trương rà soát, thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các chính sách miễn giảm khác cho tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng miễn, giảm, theo quy định, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng; tiến độ thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tỉnh phấn đấu không để dự án chậm tiến độ do ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục