Gò Tháp được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt

Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp ở xã Tân Kiều, Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Ngày 26/12, lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp là di tích quốc gia đặc biệt đã diễn ra.

Di tích Gò Tháp, ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, được các nhà nghiên cứu người Pháp phát hiện từ cuối thế kỷ XIX. Từ đó, qua nhiều giai đoạn lịch sử, các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về vùng đất này. Vùng đất này trước đây thuộc về nền văn hóa Óc Eo.

Các nhà khảo cổ tìm thấy các bia văn quý hiếm, các kiến trúc xây dựng đền tháp với trình độ nghệ thuật cao, các tượng gỗ với đường nét điêu khắc tinh xảo, các loại hình di tích mộ táng với hàng trăm hiện vật vàng, đá quý chạm khắc những hình vẽ độc đáo. Khu di tích đặc biệt Gò Tháp hội tụ 3 loại hình: di tích kiến trúc, di tích cư trú và di tích mộ táng.

Ngoài giá trị khảo cổ, lịch sử, Gò Tháp được xem là tâm điểm của vùng Đồng Tháp Mười, một trong số ít nơi còn lưu giữ nét hoang sơ của thiên nhiên, với những thảm thực vật phong phú đặt trưng của vùng đất ngập nước.

Hiện nay khu di tích Gò Tháp được tỉnh Đồng Tháp quy hoạch tổng thể với diện tích 300ha để làm khu di tích bảo tồn, bảo tàng, khu rừng sinh thái, khu du lịch nhằm phục vụ việc nghiên cứu, học tập và tham quan của người dân.

Nhiều công trình sẽ được đầu tư xây dựng tạo diện mạo ngày càng khang trang cho khu di tích như công trình Khu di tích xứ ủy Nam Bộ, khu vườn tượng Phù Nam, khu trưng bày những di sản, di vật của văn hóa Óc Eo, Tháp Sen cao 110 mét...

Cùng ngày, tại Khu di tích Gò Tháp, lễ giỗ hàng năm tưởng nhớ 2 vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương) và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (Đốc Binh Kiều) đã diễn ra. Đây là một trong hai lễ hội lớn được tổ chức hàng năm tại Gò Tháp và đã trở thành một trong những lễ hội lớn ở các tỉnh Nam Bộ. Lễ hội diễn ra long trọng theo phong tục cổ truyền với các lễ cầu an, thỉnh sanh, tế thần nông và lễ bái cúng hai vị anh hùng dân tộc./.

Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục