Gói chính sách ổn định đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung

Chính phủ đang thiết kế một gói chính sách tổng thể nhằm ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất tại vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường bốn tỉnh miền Trung.
Gói chính sách ổn định đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp xúc với cử tri Hà Tĩnh. (Nguồn: baohatinh.vn)

Chính phủ đang thiết kế một gói chính sách tổng thể nhằm ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất tại vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tại buổi tiếp xúc với cử tri Hà Tĩnh.

Theo Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 772/QĐ-TTg về hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường; Quyết định số 1138/QĐ-TTg về việc tăng thời gian hỗ trợ ngư dân, diêm dân bốn tỉnh miền Trung theo Quyết định số 772/QĐ-TTg nhưng đây chỉ là những giải pháp trước mắt, quan trọng là phải căn cơ và lâu dài.

Quan điểm của Chính phủ là cần có chính sách dài hạn, đồng bộ và cụ thể, vì vậy Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh thống kê, điều tra xác minh thiệt hại và sắp tới sẽ ban hành quy định các chính sách ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất tại vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường này.

Đối tượng áp dụng của chính sách là các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có liên quan đến hoạt động khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, nghề muối, dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường tại các xã ven biển của các tỉnh miền Trung.

Gói chính sách bao gồm nhiều chính sách căn cơ như khôi phục tái tạo nguồn lợi hải sản và nơi cư trú của các giống loài hải sản, cho vay vốn khôi phục sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm và bảo hiểm y tế. Theo đó, Nhà nước sẽ đầu tư nguồn lực để thực hiện chương trình khôi phục tái tạo nguồn lợi thủy sản, khôi phục các hệ sinh thái biển, rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi bồi, cửa sông, đầm phá là nơi cư trú của các loại thủy sản, thả bổ sung các rạn hình thành bãi cá nhân tạo; sản xuất, thả bổ sung tái tạo các loài giống thủy sản bản địa quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, có giá trị kinh tế cao; thiết lập bảo vệ các bãi giống, bãi đẻ, bãi ươm nuôi tự nhiên; hình thành các vùng cấm khai thác có thời hạn, các khu duy trì bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Phó Thủ tướng cũng cho biết sẽ có chính sách tín dụng hỗ trợ đóng mới tàu cá. Ngư dân đang đánh bắt ở vùng lộng có thể ra khơi được sẽ được hỗ trợ, ví dụ như cho vay đóng tàu lắp máy có công suất dưới 90CV hoặc những tàu có công suất máy chính từ 90-400CV trở lên. Việc cho vay này được thực hiện bằng hình thức ngân hàng thương mại cho vay nhưng Chính phủ sẽ hỗ trợ lãi suất.

Tài sản thế chấp - một trong những hướng được tính đến là lấy chính con tàu đang được đóng để thế chấp. Đây là những định hướng có tính chất nghiên cứu, sẽ có bàn bạc cụ thể và hướng quyết định trong thời gian tới.

Với chính sách vay vốn để khôi phục sản xuất đối với các hộ gia đình khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, nghề muối bị ảnh hưởng, Phó Thủ tướng cho rằng có thể giao cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện, tính toán định mức vay để người dân có vốn phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, còn có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp như đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và có hỗ trợ về kinh phí; vay vốn theo chế độ tín dụng với sinh viên, hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước, hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, có chính sách xử lý nợ của những người dân còn khó khăn chưa trả được, có thể giãn, khoanh hoặc xóa các khoản nợ phải nộp. Chính sách này đang nghiên cứu theo hướng tích cực nhất.

Những định hướng cụ thể đang được bàn bạc, cân đối lại, lấy ý kiến thêm của các địa phương sao cho khả thi, không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Phải công bằng, công khai, minh bạch, tất cả các đối tượng trực tiếp và gián tiếp đáng được hưởng phải được phải được hưởng, Phó Thủ tướng cho hay.

Dẫn lại ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh dù ngân sách có khó khăn đến mấy cũng không dùng tiền đền bù của Formosa, số tiền này chỉ để tập trung cho khắc phục sự cố và hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Nếu cần thiết phải có đầu tư thêm từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Chính phủ cũng đang nghiên cứu thành lập quỹ để ngoài nguồn lực của Nhà nước và tiền đền bù, có thể huy động thêm nguồn lực của xã hội để chăm lo cho việc này.

“Khi chính sách đã ban hành mà cán bộ xà xẻo phải áp dụng tình huống tăng nặng để xử phạt nghiêm minh, để chính sách ban hành ra trúng, đúng đối tượng và đến với người dân một cách nhanh nhất, không bị thất thoát, lãng phí,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nói về sự cố môi trường tại bốn tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng cho rằng đây là sự cố rất nghiêm trọng, tác động rất sâu sắc, nặng nề đến sản xuất, đời sống, sinh kế cũng như trật tự an toàn xã hội, có tác động đối với hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, đối với hoạt động khai thác hải sản.

Mặc dù không nằm trong vùng ảnh hưởng của sự cố nhưng tỉnh Nghệ An cũng bị tác động rất mạnh. Nhiều người không dám ăn hải sản và du lịch Nghệ An bị giảm rất mạnh. Bãi biển Cửa Lò hầu như vắng khách, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục