Gom lá vải thiều khô không ảnh hưởng xấu đến cây

Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN tại Bắc Giang, việc mua bán lá vải thiều khô tại Lục Ngạn hiện không ảnh hưởng xấu đến cây vải.
Gần đây có thông tin về việc mua bán ồ ạt lá vải thiều khô tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) - một huyện có diện tích vải thiều lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN tại Bắc Giang, việc mua bán lá vải thiều khô hiện không ảnh hưởng xấu đến cây vải.

Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết gần đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn kinh doanh thương mại Lâm Sơn, địa chỉ số 10, ngách 27, ngõ 175, phố Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) về huyện đặt hai đại lý thu mua lá vải thiều khô, nói là để chế biến thành phân bón (nghiền lá ra rồi đóng thành từng bánh) đem xuất khẩu sang Nhật Bản.

Đến nay, công ty này thu mua được gần 100 tấn lá vải thiều khô từ nhiều địa phương trong vùng.

Theo ông Báo và hỏi nhiều người dân, việc một số người dân quét dọn, thu gom lá vải thiều khô đem bán là việc bình thường, không ảnh hưởng đến cây vải vì đang trong thời điểm cần quét dọn lá khô rụng để vệ sinh vườn tược, hạn chế sâu bệnh, chuẩn bị chăm bón cho cây vải theo đúng quy trình kỹ thuật. Nếu không gom nhặt lá khô đem bán thì cũng phải thu dọn rồi đốt.

Những người đi thu gom lá vải thiều khô đem bán chủ yếu là người già và trẻ em vì giá lá khô rẻ, phải chọn lá sạch mất nhiều công, thu nhập thấp (mỗi người khoảng 30-40.000 đồng/ngày) nên lao động chính thường không làm.

Chiều 16/12, tại đại lý thu mua lá vải thiều khô của ông Nguyễn Đắc Đạo, ở thôn Áp, xã Tân Quang ( Lục Ngạn ), những bao tải lá vải thiều khô xếp thành đống cao trong gian nhà rộng nằm ngay mặt quốc lộ 31 nhưng không thấy người đến bán lá vải khô. Ngay ở xã Tân Quang, nhiều vườn vẫn đầy lá khô rụng dưới gốc cây vải thiều, chờ thu dọn vào thời điểm này để kịp quy trình chăm sóc cây vải.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Quang cho biết xã đã khuyến cáo người dân không tuốt lá vải thiều tươi xuống để khô đem bán mà tập trung chăm sóc cây vải. Hiện Công ty Lâm Sơn cũng chưa đặt vấn đề với chính quyền xã về việc đặt dây chuyền chế biến lá vải thiều khô tại đây.

Ông Báo khẳng định thực tế không có chuyện người dân Lục Ngạn bẻ lá vải thiều tươi trên cây xuống để khô rồi bán cho đại lý thu mua. Bởi vì giá mỗi kg lá vải thiều khô từ 800-1.000 đồng và nếu có hái hết lá tươi trên một cây vải xuống cũng chỉ được từ 3-5kg lá khô, bán được từ 3.000-5.000 đồng. Trong khi cũng cây vải đó để bình thường thu được từ 50-80kg quả, cho thu nhập từ 500-800.000 đồng.

Do đó, xét về lợi ích kinh tế trước mắt cũng như lâu dài không ai lại hái lá vải thiều tươi xuống để khô rồi bán. Hơn nữa, hầu hết người trồng vải thiều trong huyện cũng đã nắm rõ quy trình kỹ thụật trồng vải thiều.

Trước tình hình một số người dân thu gom lá vải thiều khô đem bán hiện nay và để tránh ảnh hưởng xấu đến cây vải thiều, Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn trong huyện chỉ đạo, khuyến cáo người dân không tỉa cành, tuốt lá vải thiều tươi trên cây phơi khô để bán; tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây vải thiều, đặc biệt là thời điểm hiện nay khi cây vải đang chuẩn bị phân hóa mầm hoa./.

Như Kính (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục