Gửi Google danh sách hơn 2.200 video clip xấu độc trên YouTube

Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết đã gửi cho Google danh sách hơn 2.200 video clip xấu độc trên YouTube để đơn vị này thẩm định, gỡ bỏ.
Gửi Google danh sách hơn 2.200 video clip xấu độc trên YouTube ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: amazeemetrics.com)

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus chiều 24/3, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết đã gửi cho Google danh sách hơn 2.200 video clip xấu độc trên YouTube để đơn vị này thẩm định, gỡ bỏ.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng đang xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để khi có vấn đề vi phạm, các bên sẽ thấy được trách nhiệm cùng hợp tác xử lý.

- Thưa ông, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cuộc họp cùng đại diện các nhãn hàng, đại lý quảng cáo trên mạng liên quan đến vụ việc nội dung quảng cáo của doanh nghiệp bị gắn vào các nội dung xấu độc trên Youtube. Việc này đem lại hiệu quả như thế nào?

Ông Lê Quang Tự Do: Vào ngày 16/3, chúng tôi đã có cuộc họp với các nhãn hàng và đại lý quảng cáo. Tại buổi họp, các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo đều cam kết sẽ cùng chung tay cùng Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng môi trường Internet lành mạnh, tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo trên mạng.

Qua kiểm tra và theo dõi, chúng tôi nhận thấy kể từ hôm đó đến nay, hiện tượng quảng cáo của các nhãn hàng, thương hiệu trong nước xuất hiện ở trên các video clip xấu độc không còn nữa…

Tuy nhiên, đây chỉ mới là giải pháp bước đầu bởi vì nhu cầu của các doanh nghiệp được quảng cáo trên môi trường mạng hiện rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo cũng như cơ quan quản lý đang phối hợp với Google để tìm các giải pháp căn cơ, triệt để hơn để không tái diễn tình trạng như vừa qua.

- Để xảy ra vấn đề này, trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

Ông Lê Quang Tự Do: Vấn đề này có trách nhiệm của các bên chứ không chỉ của Google hay của đại lý quảng cáo, doanh nghiệp.

Ở đây, các nhãn hàng có trách nhiệm vì họ giao hoàn toàn quảng cáo cho đại lý quảng cáo và không kiểm soát được việc việc vị trí hiển thị đoạn quảng cáo của mình ở đâu, miễn sao đạt được yêu cầu là hướng tới đối tượng nào, độ tuổi bao nhiêu, giới tính nào theo chiến lược quảng cáo của họ.

Trong khi đó, các đại lý quảng cáo sử dụng công cụ do Google cung cấp, lọc từ khóa, ví dụ như về mặt chính trị, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, họ lọc từ đó để không đăng quảng cáo liên quan những vấn đề như vậy. Tuy nhiên, bộ lọc của Google, YouTube không đủ để lọc hết được các từ khóa mà người sử dụng đặt ra. Đặc biệt người sử dụng khi đăng clip xấu độc có cách né thuật toán này bằng cách đặt tên, liệt kê clip của mình vào như những vấn đề như giải trí, văn nghệ, văn hóa nghệ thuật… để tránh các thuật toán của Google.

Do đó, sau buổi họp của Bộ với các doanh nghiệp tất cả đều nhận ra hạn chế cũng như trách nhiệm của mình để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

- Thực tế thì ngoài YouTube, còn có một số trang mạng xã hội khác như Facebook chẳng hạn cũng có những quảng cáo xen vào nội dung độc hại… Vấn đề này sẽ được xử lý như thế nào?

Ông Lê Quang Tự Do:
Cuối năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vào VN.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nổi lên sai phạm trên trang YouTube. Chúng tôi cũng đang rà soát ở các trang khác để chấn chỉnh hoạt động này.

Gửi Google danh sách hơn 2.200 video clip xấu độc trên YouTube ảnh 2Ông Lê Quang Tự Do cho biết đang xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. (Ảnh: Vietnam+)

- Phản ứng của Google với cơ quan quản lý sau cuộc họp ngày 16/3 như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Quang Tự Do: Khi chúng tôi yêu cầu Google, YouTube, Facebook phối hợp trong việc ngăn chặn cũng như giải quết các tình trạng xảy ra nội dung xấu độc trên nền tảng họ cung cấp, chúng tôi rất vui vì thái độ họ rất hợp tác. Đó là kết quả lâu dài qua quá trình làm việc, xây dựng niềm tin để sự hợp tác giữa 2 bên có bước tiến lớn.

Ngoài ra, không chỉ các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng cam kết sẽ tuân thủ pháp luật việt Nam vì họ muốn được kinh doanh, có môi trường hoạt động làm ăn lành mạnh.

- Thực tế thì trên YouTube còn nhiều clip độc hại. Chúng ta làm thế nào để quản lý vấn đề này?

Ông Lê Quang Tự Do: Hiện nay, chúng tôi cùng Google xây dựng được một cơ chế để gỡ bỏ những thông tin, nội dung xấu độc trên YouTube cũng như các nền tảng khác do Google cung cấp nhanh chóng hơn chứ không phải qua cách làm thông thường.

Mới đây, chúng tôi đã gửi cho Google danh sách hơn 2.200 video clip xấu độc để phía Google thẩm định, gỡ bỏ. Phía Google cũng cho biết sẽ có ưu tiên cho việc này để thẩm định nhanh và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam.

Về lâu dài, chúng tôi xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho những người sử dụng ở Việt Nam. Chúng tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp các nền tảng lớn như Google, Facebook… cùng hợp tác với Việt Nam tham gia vào bộ quy tắc này. Khi bộ quy tắc được ban hành, nó sẽ là công cụ để trong trường hợp xảy ra vấn đề vi phạm, các bên thấy được trách nhiệm cùng hợp tác xử lý chứ không trông chờ vào một cơ quan quản lý nào đó.

- Dự kiến bộ quy tắc này khi nào được ban hành?

Ông Lê Quang Tự Do: Chúng tôi làm từng bước. Vừa qua Liên minh châu Âu đã ban hành được bộ quy tắc ứng xử này, ký được với 4 nền tảng mạng xã hội lớn nhất hiện nay là YouTube, Twitter, Facebook và Microsoft.

Chúng tôi đang nghiên cứu bộ quy tắc này và dự kiến vào tháng Tư tới sẽ phối tổ chức Hội thảo quốc tế với sự tham dự của nhiều nước cũng như doanh nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng bộ khung của bộ quy tắc. Sau đó sẽ đàm phán với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam…

- Ông vừa cho biết chúng ta đã gửi hơn 2.200 clip độc hại, nhưng theo tôi được biết, hình như chúng ta có hơn 8.000 clip xấu độc. Tại sao chúng ta chưa gửi hết cho Google?

Ông Lê Quang Tự Do:
Nội dung xấu độc rất rộng như thuần phong mỹ tục, khủng bố, kích động thù hằn dân tộc, tuyên truyền chống phá nhà nước… chúng tôi phải phân loại các clip nằm ở nhóm nào. Khi Google thẩm định xử lý cũng yêu cầu chúng ta phải chỉ rõ những video này vi phạm quy định gì của pháp luật. Do đó, cần có thời gian cho việc phân loại này.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Lê Quang Tự do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục