Hạ dự báo tăng trưởng

Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu

WB đã hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 2,4%, giảm 0,6% so với dự báo hồi tháng 6 năm ngoái.
Trong báo cáo công bố ngày 15/1, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 2,4%, giảm 0,6% so với dự báo hồi tháng Sáu năm ngoái.

Tuy nhiên, theo thể chế tài chính này, nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng 3,1% trong năm 2014.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu (GEP) nêu rõ nền kinh tế thế giới vẫn phục hồi khá chậm chạp và mong manh sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930 của thế kỷ trước.

Các chuyên gia của WB dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng tương đối yếu ở mức 2,3% và 2,4% lần lượt vào các năm 2012 và 2013.

Song, sau đó tình hình nói chung sẽ được cải thiện với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 3,1% và 3,3% trong hai năm tiếp theo.

Theo WB, tiếp tục tồn tại cách biệt lớn về tốc độ tăng trưởng giữa nhóm các nước phát triển và nhóm các nước đang phát triển.

Các nước phát triển được dự báo chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn 1,3% trong năm nay (do cắt giảm chi tiêu công, tỷ lệ thất nghiệp cao, niềm tin của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp suy giảm) và tăng lên mức 2% và 2,3% lần lượt trong hai năm 2014 và 2015.

Trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển vẫn duy trì được đà tăng trưởng đáng khích lệ - dự báo là 5,5% trong năm nay (giảm 0,4% so với dự báo hồi tháng Sáu) và có thể đạt mức 5,7% và 5,8% trong hai năm tiếp theo.

Trước thời điểm bùng nổ khủng hoảng tài chính, các nước này đạt mức tăng trưởng ngoạn mục tới 7,5%.

WB dự báo Mỹ - nền kinh tế số một thế giới - đạt mức tăng trưởng 1,9 % trong năm nay, giảm 0,3% so với năm trước do chịu tác động tiêu cực từ những mâu thuẫn trong chính giới về chính sách tài chính.

Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 7,9% trong năm 2012 (giảm 0,3% so với dự báo hồi tháng 6 vừa qua) và sẽ đạt 8,4% năm nay.

Kinh tế Nhật Bản được dự báo tiếp tục chịu những tác động tiêu cực từ quan hệ căng thẳng với Trung Quốc liên quan vấn đề tranh chấp lãnh thổ và sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 0,8% trong năm nay, dần tăng lên mức 1,2% và 1,5% trong hai năm tiếp theo.

Đối với Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), bị "bão" nợ công hoành hành trong năm qua, WB dự báo mức suy giảm 0,1% trong năm nay trước khi phục hồi và tăng trưởng 0,9% và 1,4% trong các năm 2014 và 2015.

Báo cáo GEP cũng dự báo sự tăng trưởng đáng khích lệ của các nền kinh tế mới nổi như Brazil với mức tăng trưởng 3,4% trong năm nay sau một năm 2012 đầy khó khăn khi GDP tăng chưa đầy 1%.

Ấn Độ cũng được đánh giá là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới những năm tới khi được WB dự báo các mức tăng trưởng lần lượt là 6,6% và 6,9% vào các năm 2014 và 2016.

Các chuyên gia WB nhận định trong khi các nước có thu nhập cao đang phải tìm cách để các chính sách kinh tế trở nên bền vững hơn thì các nước đang phát triển phải tìm cách sẵn sàng ứng phó với những tác động tiêu cực từ những bất ổn tại các nước phát triển.

WB khuyến cáo chính quyền các nước đang phát triển nên duy trì các chính sách tài chính và tiền tệ ổn định và phù hợp với các điều kiện trong nước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục