Hà Lan trước nguy cơ không dự World Cup: Lỗi tư duy?

Hà Lan trước nguy cơ không dự World Cup 2018: Lỗi tư duy?

Chuyện một cường quốc bóng đá như Hà Lan đứng trước nguy cơ không được tham dự World Cup lẽ dĩ nhiên khiến giới mộ điệu quan tâm.
Hà Lan trước nguy cơ không dự World Cup 2018: Lỗi tư duy? ảnh 1Hà Lan đứng trước nguy cơ không được tham dự World Cup 2018. (Nguồn: Reuters)

Chuyện một cường quốc bóng đá như Hà Lan đứng trước nguy cơ không được tham dự World Cup lẽ dĩ nhiên khiến giới mộ điệu quan tâm.

Không tham dự được World Cup sau khi... lỡ mất Euro lại càng cuốn hút. Tại sao Hà Lan lại sa sút, và đây là lỗi của ai?

Lỗi chiến thuật

Hà Lan, dù chưa từng vô địch World Cup, nhưng được thừa nhận là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất tới bóng đá hiện đại. Triết lý Total Voetball của Rinus Michel, được thể hiện thông qua Johan Cruyff là xương sống của bóng đá thế kỷ 21.

Trước Hà Lan năm 1974, không đội tuyển quốc gia nào hoán chuyển vị trí cầu thủ hòng đạt được sự cân bằng trong tấn công lẫn phòng ngự. Tới thời điểm hiện tại, nếu có một đội tuyển nào không làm theo điều đó, chưa chắc họ đã có cửa thi đấu... vòng loại.

Ở cấp độ câu lạc bộ, ảnh hưởng của triết lý Hà Lan có lẽ không cần phải bàn. Barcelona đang là một trong những câu lạc bộ mạnh nhất thế giới ra sao chính là câu trả lời cho ảnh hưởng của Hà Lan tới bóng đá thế giới.

Bóng đá Hà Lan ở cả hai cấp độ câu lạc bộ, lẫn đội tuyển quốc gia đều không quên thứ triết lý này. Ajax Amsterdam giữ nguyên sơ đồ 4-3-3 để chơi bóng trong hơn bốn thập kỷ qua. Đội tuyển Hà Lan luôn chơi 4-3-3 nhiều hơn các sơ đồ còn lại.

Và vấn đề của Hà Lan nằm ở đây. Thứ triết lý mà Rinus Michel đưa ra, và Cruyff đưa lên đỉnh cao chỉ là nền tảng của chiến thuật. Ở thời điểm thập niên 70 đó, chúng dễ dàng giúp Hà Lan đánh bại những thế lực như Argentina, Brazil nhờ sự ưu việt.

Tuy nhiên, hơn 40 năm sau ngày đó, khi cả thế giới học theo thứ triết lý này, một số nơi còn cải tiến chúng, thì Hà Lan vẫn dậm chân tại chỗ. Ajax của Cruyff không một lần lọt vào vòng knock-out UEFA Champions League trong hơn một thập kỷ qua (lần cuối cùng là mùa 2005-2006, thua Inter Milan 2-3 tại vòng 1/8), Hà Lan trong mọi kỳ cúp bóng đá lớn nếu chơi theo 4-3-3 trong một thập kỷ qua đều bị loại ngay tại vòng loại.

Đội Hà Lan mới sa thải Danny Blind là như thế. Trong hơn hai thập kỷ qua, Liên đoàn bóng đá Hà Lan (KNVB) luôn cho thấy họ kiên nhẫn với những chiến lược gia.

Dù nóng nảy như Dick Advocaat, lập dị như Marco Van Basten, Louis Van Gaal hay đi ngược lại tất cả giá trị truyền thống như Bert Van Marwijck. Song sự kiên nhẫn đấy chỉ tới khi những huấn luyện viên đáp ứng được nhu cầu cơ bản, là vượt qua vòng loại.

Guus Hiddink, trong lần thứ hai bén duyên với ghế huấn luyện viên trưởng Hà Lan, đã khiến “Cơn lốc màu da cam” lỡ hẹn với Euro 2016, và giờ Danny Blind, trợ lý của ông khiến World Cup 2018 đang dần xa tầm tay Oranje.

Điểm chung của Hiddink và Blind là đều gắn bó với 4-3-3 một cách mù quáng, bất chấp việc sơ đồ này đã không còn giữ được tính ưu việt của chúng trong bóng đá hiện đại. Và bản thân các cầu thủ Hà Lan cũng không còn cho thấy họ là những cá nhân xuất sắc của bóng đá đương đại.

Arjen Robben, 33 tuổi, là cái tên duy nhất chứng minh mình vẫn đang nằm trong số những cầu thủ hàng đầu. Phần còn lại của đội tuyển Hà Lan đều tụt quá xa so với mặt bằng chung bóng đá hiện tại.

Matthijs De Ligt, tâm điểm trong đợt tập trung lần này của đội tuyển Hà Lan sinh năm 1999, và đã phạm sai lầm chết người dẫn tới trận thua trước Bulgaria, giọt nước làm tràn ly số phận của huấn luyện viên Danny Blind.

Cầu thủ đáng chú ý nhất, Memphis Depay thì mới phải bán xới sang Lyon thi đấu sau khi thất bại thảm hại trong màu áo Manchester United. Thời đại mà Hà Lan có Ruud Van Nistelrooy, Patrick Kluivert và Roy Maakay đồng thời trên hàng công rõ ràng đã qua quá lâu với Oranje.

Lỗi con người

Một trong những nguyên nhân giải thích cho việc Hà Lan không còn sản sinh ra những thế hệ cầu thủ tốt như trong quá khứ nữa là phán quyết Bosman. Sự ra đời của phán quyết Bosman, như nhiều người biết, là một đòn đánh mạnh mẽ tới những lò đào tạo trứ danh của không chỉ xứ sở hoa tulip mà còn toàn thế giới.

Vào năm 1995, thời điểm Bosman chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý với Standard Liegue, phân nửa đội hình đội tuyển Hà Lan tại World Cup 2014, giải đấu thành công cuối cùng của Oranje (cán đích ở vị trí thứ ba), đã bước vào các lò đào tạo trẻ.

Trong chiến dịch vòng loại Euro 2016, con số này giảm dần, và tới hiện tại, chỉ có... bốn cầu thủ được đào tạo trước phán quyết Bosman, đó là thủ thành Michael Vorm, tiền vệ Wesley Sneijder, Arjen Robben và Jeremain Lens.

Lứa cầu thủ Hà Lan lúc này, đa phần sinh trong thập niên 90 (15/23 cầu thủ), và bắt đầu bước vào những lò đào tạo trẻ (vào năm 7 tuổi), khi công tác đào tạo trẻ tại Hà Lan đã bị ảnh hưởng mạnh (theo hướng tiêu cực) từ phán quyết Bosman. Những khoản tiền khổng lồ từ việc bán cầu thủ đã không còn, và các lò đào tạo như Ajax, PSV hay Feeyenord phải tự mình xoay sở để cân đối thu chi. Những cải tiến trong công tác đào tạo bị chững lại vì không có kinh phí đều đặn.

Người ta vẫn đều đặn nói vào hằng năm rằng lò đào tạo trẻ của Ajax kỳ diệu ra sao, là niềm cảm hứng lớn như thế nào mà không để ý rằng, thứ công nghệ ấy nếu đã tới với những khán giả đại chúng thuộc thế giới thứ ba, thì cũng đồng nghĩa với việc tất cả đã bị sao chép ở các quốc gia khác nhau. Đức, Bỉ, thậm chí cả Anh đều đang cho thấy lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng, vượt mặt Hà Lan. Vậy lò Ajax, PSV, Feeyenord liệu có kỳ diệu như lý thuyết chúng ta thường thấy? Hay đó chỉ là hào quang của thập niên 90 đầy ảo ảnh?

Giữ khư khư lý tưởng cũ kỹ, cộng với việc không còn sản sinh ra những thế hệ cầu thủ xuất sắc Hà Lan rõ ràng đang tụt lại quá xa so với những nền bóng đá từng đứng sau họ như Bỉ, hay thậm chí Xứ Wales. Con đường nào để Hà Lan trở lại? Thật khó để nói trước. Chỉ biết, đó sẽ là một con đường dài, và trải đầy gai nhọn, thứ mà hoa Tulip không hề có./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục