Hà Nội bảo tồn nghề rèn thủ công dưới góc độ văn hóa

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa đã xây dựng dự án nghiên cứu, bảo vệ nghề rèn Đa Sỹ.
Hà Nội bảo tồn nghề rèn thủ công dưới góc độ văn hóa ảnh 1Người thợ làng nghề rèn Đa Sỹ. (Nguồn: hadong.hanoi.gov.vn)

Dự án nghiên cứu, bảo vệ nghề rèn ở Đa Sỹ, phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa tổng kết, khẳng định nghề rèn thủ công không chỉ bảo tồn dưới góc độ nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống mà còn được bảo tồn dưới góc độ văn hóa.

Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nghề rèn cũng là một di sản văn hóa phi vật thể. Đối với nghề rèn Đa Sỹ có truyền thống lâu đời và đầu những năm 60 thế kỷ XX tại Đa Sỹ thành lập hợp tác xã rèn Tiền Phong với bốn đội sản xuất. Thời kỳ này, ngoài các sản phẩm gia dụng, thợ rèn Đa Sỹ còn rèn nhiều mặt hàng khác như dao quân nhu, dao tông giáp, dao rựa, cuốc bản…

Hiện nay, ở Đa Sỹ chỉ còn khoảng 20-30% gia đình duy trì nghề rèn theo kiểu truyền thống, còn lại đều áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Chính vì vậy, những giá trị văn hóa phi vật thể các thế hệ thợ rèn đã tích lũy được, truyền từ đời này sang đời khác đang trong quá trình mai một.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa đã xây dựng dự án nghiên cứu, bảo vệ nghề rèn Đa Sỹ, nhằm giúp các thợ rèn Đa Sỹ và chính quyền phường Kiến Hưng nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa phi vật thể của nghề rèn, từ đó có những biện pháp bảo vệ tốt hơn.

Qua hơn nửa năm triển khai dự án, từ tháng 4-12, Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa đã tiến hành khảo sát thực tế, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng nghề rèn ở Đa Sỹ với hàng chục khảo sát để thu thập thông tin, tổ chức ghi âm, ghi hình tư liệu. Trung tâm cũng thành lập nhóm thành viên nòng cốt của cộng đồng gồm các nghệ nhân cao tuổi, thợ trẻ, phụ nữ tham gia nghề, chuyên bán sản phẩm, người của hiệp hội làng nghề và cán bộ địa phương.

Trong thời gian này, Trung tâm thực hiện hai cuộc trưng bày chuyên đề “Nghề rèn làng Đa Sỹ” và “Chuyện người làm rèn làng Đa Sỹ” do chính những thành viên nòng cốt của cộng đồng chụp ảnh và tự kể chuyện. Bên cạnh đó, Trung tâm này cũng xây dựng bộ phim cộng đồng về nghề rèn làng Đa Sỹ và một bộ ápphích giới thiệu về làng nghề.

Kết quả quan trọng nhất của dự án này là giúp cộng đồng nhận diện được giá trị của di sản, các nguy cơ, thách thức và tiềm năng phát triển di sản. Từ đó, nhận thức về di sản được nâng cao, tạo cơ sở cho việc thực hiện chương trình hành động bảo vệ di sản nghề truyền thống rèn Đa Sỹ giai đoạn 2016-2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục